Trong suốt thời gian hai năm thực hành Quản lý Tài chính Cá nhân, đôi lúc mình cũng khá loay hoay để làm sao cho khách hàng nắm được các kiến thức về tài chính một cách đơn giản nhất. Cho nên, việc tham gia các khóa học và tìm đọc sách về tài chính cá nhân luôn đóng vai trò quan trọng cho công việc của mình.
Danh sách dưới đây bao gồm 8 cuốn sách mà mình lựa chọn. Các gợi ý của mình chú trọng vào tính nền tảng, tức dành cho các cá nhân chưa có hoặc mong muốn hiểu kiến thức cơ bản nhất về việc quản lý và tạo mối kết nối với đồng tiền.
Bài viết này sẽ không đi sâu vào các hạng mục tài chính cụ thể như đầu tư qua chứng khoán, chứng chỉ quỹ, bất động sản… Việc đưa vào danh sách này dựa trên ý kiến chủ quan của bản thân. Mình chủ yếu giới thiệu các sách Tiếng Việt, để nhiều người tiếp cận được. Các sách ngoại văn mình cũng sẽ có một bài viết chi tiết vào dịp khác.
1. Những cuốn sách về tài chính cá nhân nền tảng nhất:
• Đồng tiền hạnh phúc
Cuốn sách của Ken Honda – một diễn giả và tác giả best-seller người Nhật, với 130 cuốn sách, và bán được 7 triệu bản trên toàn thế giới. Đây là một trong những cuốn sách truyền cảm hứng với mình, và giúp mình tin hai điểm quan trọng để cải thiện tư duy về tài chính cá nhân. Một là, giáo dục về tiền/ tài chính cho con sớm nhất có thể là giúp con trang bị một cuộc sống tốt đẹp về sau. Hai là, tiền bạc và hạnh phúc có thể song hành và hoàn toàn không có chia tách hay mâu thuẫn.
Theo đó, ông khẳng định, một người hạnh phúc và giàu có là người có đủ năm sắc diện tự do về: thời gian, tiền bạc, thể hiện con người của mình, hạnh phúc với các mối quan hệ xung quanh, làm những công việc mà mình yêu thích.
Cuốn sách trả lời các câu hỏi cơ bản nhất: Tôi đang kiểm soát tiền hay bị tiền kiểm soát? Liệu tôi có thể bình yên khi còn sống? Trải nghiệm về tiền của tôi như thế nào?….

• Linh hồn của tiền:
Nếu chỉ xem tựa đề, bạn sẽ nghĩ đây là một cuốn sách self-help dạy cách kiếm tiền và tối đa hóa lợi nhuận. Thật ra, đây là một cuốn sách về tài chính cá nhân rất hay, được viết bởi tác giả Lynne Twist – người đồng sáng lập của The Pachamama Alliance và The Soul of Money.
Là một nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp, bà tham gia nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo toàn cầu, các chương trình bảo vệ xã hội và môi trường. Cuốn sách của bà đã cho chúng ta thấy được bức tranh chung của đồng tiền, sự phân hóa giàu – nghèo trên toàn thế giới, sự thấu hiểu để tạo ra dòng chảy tiền bạc trong cuộc sống của mỗi người.
Một trong những điều khiến mình trăn trở khi đọc cuốn sách này chính là bà đưa ra ba ngộ nhận về sự thiếu thốn – lý do tại sao con người luôn phải sống trong vòng xoáy đau khổ với tiền bạc. Đầu tiên chính là nỗi ám ảnh về KHÔNG CÓ ĐỦ – điều khiến chúng ta luôn hạ mình làm những việc mà bản thân ta không thấy tự hào, nỗi sợ thua kém người khác, khiến ta đặt ham muốn cá nhân lên trên sức khỏe, sự an toàn và thậm chí là hạnh phúc của người khác, tất cả nhằm đạt được sự chi phối những nguồn tài nguyên mà ta nghĩ là ta cần.
Ngộ nhận thứ hai chính là CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT, suy nghĩ thúc đẩy thứ văn hóa cạnh tranh khốc liệt để tích lũy, thỏa mãn lòng tham.
Ngộ nhận cuối cùng chính là ĐÓ LÀ LẼ TẤT NHIÊN, điều khiến ta ngừng chất vấn mình, biện hộ về lòng tham bản thân.

• Tiền không mua được gì?
Nếu bạn đã từng đọc Phải Trái Đúng Sai, thì đây là cuốn sách về tiền bạc và đạo đức của cùng tác giả Michael Sandel. Trải dài khắp cuốn sách là những ví dụ về việc tiền có thể đóng vai trò gì trong cuộc sống của con người dựa trên những lập luận triết học và kinh tế học. Theo lời của Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Có những thứ mà nếu ta coi nó như một mặt hàng có thể mua bán lại thì ta đã hủy hoại giá trị làm nên bản chất của nó”.
Mình rất hứng thú khi đọc các ví dụ về việc tăng phí giữ trẻ ngoài giờ như một hình thức phạt hay để khuyến khích hành vi đón con muộn, hay rất thực tế như gửi tiền hay tặng quà sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ, sự tiết kiệm hay dư thừa tài nguyên.
Bạn cũng sẽ đọc những ví dụ mang tính chất vĩ mô như: các quốc gia giàu có trả tiền để các quốc gia khác trở thành bãi chất thải hạt nhân, việc bán máu hay sinh con thay, hay ngay cả vấn đề toàn cầu của việc mua bán khí thải.

• Đồng tiền lên ngôi
Cuốn sách này thiên về lịch sử phát triển của các hạng mục tài chính trên toàn thế giới, bao gồm: sự ra đời của tiền tệ và tín dụng, thị trường trái phiếu và cổ phiếu, về bảo hiểm và bất động sản – những thành tố then chốt của nền tài chính đã định hình các xã hội và hệ thống tài chính toán cầu. Vì thiên về lịch sử, nên sách rất dài, nhiều dữ liệu quý giá và không dành cho số đông người đọc phổ thông.
2. Những cuốn sách về tài chính cá nhân theo từng chủ đề

• Tiêu dùng tối giản
Đây là một cuốn sách khá dễ đọc của Tara Button về việc quản lý chi tiêu và thực hành tiêu dùng tối giản. Mục tiêu của sách được chia làm hai phần: một là chỉ ra những hành vi tiêu dùng khiến con người mua sắm mà thiếu xem xét, và hai là các cách thức để bạn thay đổi chính hành vi đó của bản thân.
Một cuốn sách tương tự nữa của một tác giả người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ – Chi Nguyễn – với tựa đề Một cuốn sách về Chủ Nghĩa Tối Giản. Chị là một nghiên cứu sinh khoa học, và cũng là một blogger trên trang The Present Writer. Cuốn sách là đúc kết những trải nghiệm thực tế của Chị về sự thay đổi hướng đến lối sống tối giản.

• Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam
Một cuốn sách làm mưa làm gió trong thời gian qua là của tác giả Lâm Minh Chánh. Vốn là một người có nhiều kinh nghiệm trong Tài Chính, sách của Anh cung cấp thông tin trực diện, không màu mè, đi thẳng ngay vào các nguyên tắc để thực hành quản lý Tài Chính Cá Nhân.
Sách chủ yếu cung cấp những kiến thức cơ bản nhất, nhưng bao quát hết mọi thứ. Bạn sẽ hiểu các khái niệm cơ bản về kiếm tiền, bảo vệ tiền, và gia tăng tiền. Có cả các hình thức mà nhiều người tham gia cũng được đề cập như: thẻ tín dụng, chơi hụi, các quảng cáo mua sắm trả góp…

• Kỹ Năng Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Trong 30 Ngày
Nếu bạn cần một cuốn sách thực tế, áp dụng được ngay thì cuốn sách này khá hữu ích. Nhiều người cho rằng cứ cắt giảm chi tiêu là tiết kiệm tiền. Thật ra không phải như vậy. Quan trọng chính là mục tiêu tiết kiệm của bạn là gì, từ đó bạn sẽ lên ngân sách cho các hạng mục tiết kiệm của mình. 30 ngày đủ để chúng ta đi từ thay đổi nhận thức, thiết lập và duy trì thói quen bền vững.

• Cặp Đôi Thông Minh Sống Trong Giàu Có
Sách về tài chính cá nhân dành cho cặp đôi thì khá hiếm hoi trên thị trường nên thôi ít còn hơn không. Quan điểm của mình là việc giao tiếp về tài chính nên thực hiện khi hai người bắt đầu từ giai đoạn tìm hiểu nhau, cho đến đời sống hôn nhân.
Trao đổi về tiền bạc là một cách để bạn hiểu thêm rất nhiều về người bạn đời của mình, từ quan điểm sống, đến thái độ cầu tiến trong công việc và lên kế hoạch tương lai. Sự an yên trong tài chính sẽ là một nhân tố quan trọng để cuộc hôn nhân bền vững về lâu dài.
Trên đây là gợi ý các sách về tài chính cá nhân giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về hành trình thú vị trong cuộc sống của mỗi người. Hơn ai hết, mình tin rằng, việc đọc sách là cách thức tốt để chúng ta tiếp cận kiến thức đa chiều với tư duy mở.
Tuy nhiên, tài chính là một phạm trù đặc biệt Bạn phải thực hành thì mới thấu hiểu được tất cả vì sách chỉ là khung sườn chung. Việc áp dụng vào chính cuộc sống hàng ngày, thông quan giao tiếp, ghi chép, chi tiêu và hệ thống, sẽ giúp chúng ta có được sự tự do và niềm tin đối với tiền bạc.
6 comments
Cảm ơn bạn vì đã chia sẻ. Mình sẽ tìm đọc nó để hiểu hơn về tiền
Cảm ơn bạn đã quan tâm. Chúc bạn luôn thoải mái trong hành trình làm bạn với tiền nhé.
Bạn ơi kênh rất bổ ích! Mình sẽ theo dõi thường xuyên
Thảo cảm ơn bạn rất nhiều. Hy vọng gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo nhé
Bài viết rất hữu ích ạ. Em cảm ơn chị nhiều, mong những bài tiếp theo của chị
Chị cảm ơn Thư nhé. Gặp lại em trong những bài tiếp theo