19 cách tiết kiệm tiền hiệu quả bạn cần biết

by Thảo Lê
0 comment

Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng bước chân đầu tiên. Độc lập – tự do tài chính bắt đầu bằng ý thức tiết kiệm tiền hiệu quả ngay từ những khoản thu nhập đầu tiên. Khi chúng ta có ý thức tiết kiệm, kiên trì thực hiện đều đặn có kỷ luật, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến gần các mục tiêu tài chính mong muốn.

Tại sao cần biết cách tiết kiệm tiền

Trong mọi kế hoạch tài chính cá nhân, câu hỏi quan trọng cần đặt ra đầu tiên chính là: Tại sao tôi lại cần thực hiện điều này? Tương tự với việc tiết kiệm, khi chúng ta trả lời được câu hỏi TẠI SAO, chúng ta sẽ có thêm động lực thực hiện, và sử dụng tiền tiết kiệm một cách thông minh nhất.

Các lý do cần tiết kiệm tiền như sau:

  • Có khoản dự phòng trong các tình huống khẩn cấp
  • Thực hiện các mục tiêu về đầu tư, phát triển bản thân
  • Ý thức các khoản chi tiêu mua sắm theo nhu cầu chứ không chỉ là mong muốn
  • Giao tiếp hiệu quả với các thành viên trong gia đình về sự tôn trọng tiền bạc và sức lao động
  • Lối sống tối giản, bền vững và hướng vào giá trị thực sự

19 cách tiết kiệm tiền hiệu quả

1. Cắt giảm nợ

Không phải mọi khoản nợ đều là nợ xấu. Nợ nếu được sử dụng như một đòn bẩy tài chính, phục vụ cho một mục tiêu nào đó và nằm trong khả năng thanh toán là nợ tốt. Ví dụ cụ thể để phân biệt như sau:

Nợ tốtNợ xấu
Vay nợ mua nhà và sau đó cho thuê như một kênh đầu tư, hoặc thu nhập thụ động. Nợ tốt nếu khoản đầu tư. Sử dụng nợ cho các khoản mua sắm tùy tiện, không tính trước, vượt quá khả năng trả nợ
Ví dụ: vay mua xe, vay mua nhà, vay học tậpVí dụ: vay lãi suất cao, nợ thẻ tín dụng
Phân biệt nợ xấu nợ tốt.

Mục tiêu của chúng ta chính là tập trung vào nợ tốt và cắt giảm nợ xấu nhiều đến mức có thể. Bạn có thể thực hiện chiến lược the snowball – chiến lược trả nợ hòn tuyết lăn. Các bước cụ thể của chiến lược này như sau:

  • Bước 1: Liệt kê các khoản nợ của bạn từ nhỏ nhất đến lớn nhất bất kể lãi suất.
  • Bước 2: Thanh toán tối thiểu tất cả các khoản nợ của bạn ngoại trừ khoản nợ nhỏ nhất.
  • Bước 3: Trả càng nhiều càng tốt khoản nợ nhỏ nhất của bạn.
  • Bước 4: Lặp lại cho đến khi thanh toán đầy đủ từng khoản nợ.

 Chiến lược này không quan tâm đến lãi suất mà quan tâm đến độ lớn các khoản nợ. Bằng cách trả hết các khoản nợ nhỏ nhất, bạn sẽ có cảm giác dễ dàng thoát nợ và có động lực duy trì việc này như một thói quen. 

Cắt giảm nợ – tiết kiệm tiền và quản lý ngân sách hiệu quả – Nguồn: Entrvest

2. Cắt giảm chi phí sinh hoạt

Chi phí sinh hoạt chiếm phần lớn thu nhập của chúng ta, nên nếu quản lý chi phí này hiệu quả, bạn sẽ dễ dàng thực hiện tiết kiệm. Nguyên tắc 50-30-20 là nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu và có thể áp dụng được ngay. Theo đó:

  • 50% (Must-haves) dành cho nhu cầu thiết yếu , bao gồm: ăn, mặc, ở, đi lại, Internet,…
  • 30% (wants) dành cho chi tiêu phục vụ sở thích cá nhân, bao gồm: mua sắm, gặp gỡ bạn bè, khóa học phát triển, tiệc tùng
  • 20% (savings) còn lại dành cho việc tiết kiệm, trả nợ, đầu tư ngắn hạn và dài hạn 

Để có thể nhận diện và quản lý chi phí hiệu quả, việc bạn cần làm là ghi chép các khoản chi tiêu mỗi ngày, mối tháng và mỗi quý. Việc này cực kỳ quan trọng. Khi ghi chép một khoảng thời gian, bạn sẽ nhận ra có những khoản mua sắm hoàn toàn không phục vụ cho nhu cầu thiết yếu mà chỉ là ham thích nhất thời. CHính những khoản chi “nho nhỏ” này nếu cộng dồn lại sẽ trở thành khoản tiền kha khá, mà nếu tiết kiệm, bạn sẽ đem đi đầu tư tích lũy tài sản nhiều hơn.

3. Cắt giảm các hóa đơn thuê bao và thẻ thành viên không cần thiết

Thống kế lại các khoản thẻ thành viên không cần sử dụng hiệu quả: các thẻ tập gym chỉ mua để đó, các thuê bao Internet, các chương trình online trả phí hàng tháng,… Có thể những tài khoản này được áp dụng miễn phí giai đoạn đầu, nhưng sau đó hầu như tất cả dạng thuê bao đều tự động gia hạn. Tốt nhất bạn kiểm soát tài khoản thẻ mỗi tháng để biết bạn đang bị khấu trừ phí thuê bao cho hạng mục gì và tổng số tiền bao nhiêu.

4. Quan tâm đến No Brand

Nếu dạo quanh hệ thống siêu thị lớn, bạn sẽ bắt gặp những sản phẩm gắn nhãn No – Brand. Đây là cụm từ dành cho các sản phẩm được sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn đại trà, quy mô lớn, không chú trọng vào việc nhận diện thương hiệu và các chi phí quảng cáo. 

No – Brand nhận được sự quan tâm vì giá thành rẻ hơn đến 40-50% so với sản phẩm cùng loại. Ngoài ra, các đơn vị còn bán hàng theo hình thức đồng giá, nhằm bán được số lượng hàng lớn. Ưu điểm của nhóm sản phẩm này là đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng với chất lượng có thể chấp nhận được.

Mô hình này khá được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Brandless là đơn vị sản xuất các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm đồng giá. Với cách thức này, startup tiết giảm được rất nhiều về chi phí phân phối, xây dựng thương hiệu, vận hành đóng gói. 

Lời khuyên khi mua sản phẩm No – Brand là hãy lựa chọn đơn vị cung cấp chất lượng, tốt nhất là có sự kiểm soát của hệ thống siêu thị lớn. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm soát tâm lý khi chi tiêu, mua sắm, tránh lỗi thường gặp là giá rẻ – mua nhiều.

Sử dụng sản phẩm No-Brand để tiết kiệm tiền.
Sử dụng sản phẩm No-Brand để tiết kiệm tiền. Nguồn: racked.com

5. Quản lý email marketing

Email marketing là một hình thức quảng cáo trực tuyến, khi người cung cấp sản phẩm dịch vụ gửi nội dung quảng cáo trực tiếp đến email của bạn. Ngoài email, bạn cũng có thể nhận được hàng trăm thông báo popup tự động thông qua các app mua sắm. 

Việc này dẫn đến điều gì? Nếu theo dõi nội dung các quảng cáo này, bạn sẽ thấy thông điệp Mua ngay kẻo hết, chỉ còn khuyến mãi trong … giờ, giảm giá cuối cùng cho … sản phẩm. Các thông điệp này đánh vào tâm lý FOMO của người tiêu dùng. 

FOMO là từ viết tắt của Fear Of Missing Out – hiệu ứng tâm lý sợ bỏ lỡ mất cơ hội. Tâm lý này xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống, gây ra cảm xúc và  tâm trạng gấp gáp, khiến chúng ta phải ra quyết định nhanh chóng.

6. Quản lý giá trị tài khoản bảo hiểm

Có thể nhiều người không quan tâm nhưng giá trị bảo hiểm cũng là một khoản cần cân nhắc để quản lý ngân sách. Đối với hạng mục này, điều bạn cần làm là:

  • Tham gia bảo hiểm – đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ – với nguyên tắc đúng đủ. (đúng đối tượng và đủ số tiền bảo vệ). 
  • Lựa chọn dòng sản phẩm linh hoạt đóng phí. 

Để thực hiện được hai điều trên, bạn cần gặp chuyên gia tư vấn bảo hiểm có kinh nghiệm không chỉ về bảo hiểm mà còn có kiến thức về tài chính cá nhân. 

7. Đàm phán giảm giá

Tại sao lại không lựa chọn các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ có mức giá giảm. Thậm chí, nhà cung cấp luôn có các chương trình khuyến mãi như:

  • Giảm giá cho sinh viên – học sinh
  • Giảm giá khi gom nhóm mua chung

Tận dụng các chương trình giảm giá này sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm một khoản tiền kha khá. 

8. Tận dụng thời gian dùng thử 

Hầu như các dịch vụ hiện nay đều cho khách hàng dùng thử từ 7 ngày đến 1 tháng. Hãy tận dụng thời gian này nhằm mục tiêu:

  • Biết chắc chắn sản phẩm phù hợp cho nhu cầu cá nhân và gia đình
  • Thẩm định chất lượng trước khi sử dụng

9. Hạn chế ăn ngoài

Việc mua vật liệu và nấu ăn tại nhà là một trong những cách tiết kiệm tiền hiệu quả. Bạn hãy lên danh sách thực đơn cho tuần, tính toán nguyên vật liệu, đi siêu thị để mua cách 3-4 ngày 1 lần, sơ chế, cất trữ tủ lạnh, sau đó chỉ mất khoảng 30 phút để chuẩn bị bữa ăn cho nguyên ngày. 

Hạn chế ăn ngoài không có nghĩa là thắt lưng buộc bụng, bỏ qua những khoản giao tiếp. Chúng ta vẫn cần những khoản chi tiêu này vì mục đích kinh doanh, gặp gỡ, tăng kết nối, miễn là chúng ta ý thức việc này và tại sao lại cần thực hiện. 

Sâu hơn trong việc quản lý chi tiêu ăn uống, bạn nên thực hiện thêm các hướng dẫn sau:

  • Đặt ra hạn mức chi tiêu cho việc ăn uống, phân bổ cụ thể số tiền dành cho ăn ngoài và ăn uống tại nhà mỗi tháng trong khoảng bao nhiêu. Thông thường các chi phí liên quan đến ăn uống sẽ rơi vào khoảng 20-30% mỗi tháng. 
  • Tham khảo các chương trình giảm giá tại siêu thị để tiết kiệm tiền mỗi tuần.
Nấu ăn tại nhà đề tiết kiệm tiền.
Nấu ăn tại nhà đề tiết kiệm tiền. Nguồn ảnh: Internet

10. Đọc sách điện tử

Việc kết hợp đọc sách giấy, sách điện tử, sách nói hoặc podcast là một trong những cách hiệu quả để tiết kiệm tiền. Chi phí cho một cuốn ebook bằng ½ đến ⅓ giá một cuốn sách giấy và bạn có thể tiếp cận ngay thông qua các trang thương mại điện tử mà không cần mất chi phí cho việc vận chuyển. 

Dĩ nhiên không phải tất cả thể loại sách đều cung cấp bản điện tử, cũng như tất cả mọi người đều phù hợp và yêu thích đọc sách điện tử. Nhưng hãy cứ thử nghiệm, biết đâu đây là một ý tưởng tốt dành cho những mọt sách. 

11. Sử dụng cashback

Thẻ tín dụng nếu chúng ta biết cách sử dụng thì sẽ giúp tiết kiệm tiền hiệu quả. Một trong những cách có thể áp dụng là cashback – hoàn trả lại tiền. 

Đây là hình thức ngân hàng áp dụng đối với các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng để mua sắm và thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Sau đó khách hàng sẽ được hoàn tiền dựa trên giá trị đã thanh toán. Hình thức này được xem như giảm giá trực tiếp hoặc chương trình ưu đãi của hệ thống thẻ. 

12. Tái cơ cấu khoản vay nợ

Tái có cấu khoản vay nợ – refinance – là một thuật ngữ cho việc chuyển đổi khoản nợ bằng một hợp đồng mới, nhằm giảm áp lực cho khoản nợ hiện có. 

Việc này áp dụng hiệu quả khi thị trường có sự thay đổi lãi suất đáng kể. Khi chúng ta thay đổi hợp đồng cũ bằng một hợp đồng mới, với lãi suất thấp hơn, chúng ta đang được hưởng lợi khi chi trả khoản lãi thấp hơn. 

Ngoài ra, việc tái cơ cấu khoản vay còn có thể giúp bạn hợp nhất các khoản nợ. Hình thức này thường áp dụng cho các khoản vay thế chấp, vay mua xe, mua nhà, vay học tập,…

Tái cơ cấu các khoản vay nợ để tiết kiệm tiền hiệu quả – Nguồn ảnh: Valley Bank

13. Dọn dẹp nhà cửa, quần áo, sách vở

Một cách thức hiệu quả để tiết kiệm tiếp theo chính là dọn dẹp lại nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Việc này vừa giúp tạo không gian làm việc sinh sống thoải mái, tinh giản vừa giúp bạn nhận diện được những khoản chi tiêu mua sắm không thực sự cần thiết trong gia đình.

14. Tiết kiệm tiền theo tuần

Tuần là khoảng thời gian vừa đủ để lên kế hoạch, quản lý chi tiêu, Cách thức tiết kiệm tiền theo tuần rất phù hợp cho người có thu nhập trung bình, giúp bạn nhanh chóng đạt các mục tiêu đã đặt ra.

15. Gửi tiền tiết kiệm tự động

Đây là hình thức hiệu quả nếu chúng ta muốn tiết kiệm tiền một cách có kỷ luật. Thông thường, tiền sẽ tự động chuyển từ tài khoản không kỳ hạn sang tài khoản tiết kiệm tự động, đồng thời bạn sẽ nhận lãi suất cao hơn, tiết kiệm thời gian giao dịch tại ngân hàng

Hình thức trích lập tự động này phù hợp để thanh toán cho các khoản cố định đã được lên kế hoạch trước. Bạn nên thực hiện ngay khi nhận được thu nhập, để đảm bảo tài khoản tự động thực hiện tiết kiệm thay trước khi bạn chần chừ vì vô vàn cám dỗ mua sắm chi tiêu bên ngoài.

16. Ghi chép chi tiêu

THói quen ghi chép chi tiêu vô cùng quan trọng, và đó cũng là nền tảng để chúng ta kiểm soát ngân sách. Thực hiện việc này theo lịch trình như sau:

  • Đầu tháng thống kê lại tình hình tài chính và giá trị tài sản ròng hiện tại. 
  • Ghi nhận các phát sinh cho các ngày trong tháng
  • Cuối tháng báo cáo, đánh giá các khoản chi tiêu, điều chỉnh hoặc đặt ra mục tiêu cho tháng tiếp theo

Việc ghi chép chắc chắn không phải là việc được yêu thích vì khá gò bó và tỉ mỉ nhưng chúng ta nên thực hiện đều đặn, ít nhất trong 1-3 tháng đầu tiên để tạo thành thói quen tốt. Nếu không ghi chép chúng ta sẽ không thể rõ các khoản chi cũng như không biết tiền thu được từ các khoản nào. 

Ghi chép chi tiêu để có kế hoạch tiết kiệm tiền hiệu quả
Ghi chép chi tiêu để có kế hoạch tiết kiệm tiền hiệu quả – Nguồn ảnh : Internet

17. Mua sắm hiệu quả

Luôn có một tranh luận như sau: nên mua đồ chất lượng với giá thành cao hay mua đồ rẻ với số lượng nhiều. 

Có một hiện tượng được gọi là “marketing placebo effect” – xu hướng đánh giá chất lượng dựa trên giá của sản phẩm đó. Năm 2017, một nghiên cứu được thực hiện để đánh giá bằng cách mời những người tham dự nếm thử các loại rượu giống hệt nhau nhưng được dán nhãn giá khác nhau. 

Đa phần người tham dự sẽ đánh giá loại rượu có giá cao hơn có mùi vị ngon hơn. Những  người này sau đó được kiểm tra MRI để xem cách thức hoạt động của não bộ khi ra quyết định lựa chọn sản phẩm có liên quan đến giá. 

Hoạt động của não được đo bằng máy quét MRI cho thấy phần não liên quan đến phần thưởng và động lực, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm vị giác.

Victor Ricciardi, giáo sư tài chính tại Cao đẳng Goucher ở Baltimore, Maryland, và đồng biên tập của cuốn sách Hành vi nhà đầu tư và Hành vi tài chính đồng quan điểm: “Nếu chúng ta chi nhiều hơn cho một chai rượu, chúng ta xem đó là một “khoản đầu tư” ít rủi ro hơn bởi vì chúng ta mặc định giá rượu cao hơn sẽ có chất lượng tốt hơn.”

Việc mua sắm hiệu quả không đơn thuần là việc lựa chọn sản phẩm chất lượng giá cao dùng lâu dài hay mua nhiều sản phẩm giá rẻ và dùng ngắn hạn. Điều quan trọng ở đây vẫn là việc quay lại với rõ chi, đánh giá khoản mua sắm bằng giá trị thực của sản phẩm và nhu cầu sử dụng. 

18. Tái sử dụng 

Một cách thức tiết kiệm tiền đơn giản có thể bắt đầu được ngay chính là cắt giảm (reduce) và tái sử dụng (reuse). Chuyển đổi những món đồ sử dụng một lần sang những món đồ dùng lâu dài, biến tấu quần áo cũ thành những món đồ khác hoặc làm từ thiện,…

19. Phân chia tiền vào các quỹ đầu tư hoạt động tốt

Thay vì gửi tiền vào ngân hàng, bạn cũng có thể tham khảo đầu tư vào các quỹ mở đầu tư để hưởng lãi suất cao hơn. Bạn có thể tham khảo FlexiCA$H hay TCFF của Techcombank – Quỹ đầu tư trái phiếu linh hoạt – phù hợp cho dòng tiền thanh khoản nhanh từ 1 tuần đến vài tháng, mức đầu tư ban đầu thấp nhất là 10.000 đồng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các hình thức quỹ khác như Finhay, Tikop, Infina, Fmarket. Mỗi ứng dụng sẽ có những ưu nhược điểm riêng, nhưng nhìn chung đều giúp bạn đa dạng hóa các khoản tiết kiệm tiền và hướng dần đến việc đầu tư bền vững.

Làm thế nào để bắt đầu tiết kiệm tiền ngay

Lên kế hoạch chỉ giúp bạn 50%, việc thực hiện và duy trì có kỷ luật mới đủ để đạt đến mục tiêu tài chính. Để bắt đầu kế hoạch tiết kiệm tiền, hãy thực hiện theo các bước sau:

  • Xác định mục tiêu bạn muốn tiết kiệm là gì
  • Đánh giá tình hình tài chính hiện tại
  • Lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp. Chúng ta không cần thực hiện toàn bộ mà chỉ tập trung vào những giải pháp tiện lợi nhất cho bạn và gia đình
  • Giao tiếp với các thành viên trong gia đình để cùng nhau thực hiện
  • Đánh giá định kỳ hàng tuần hàng tháng để điều chỉnh kế hoạch tiết kiệm tiền

Kết luận

“Do not save what is left after spending, but spend what is left after saving” (Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu, mà hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm). Câu nói của Warren Buffet nhắc nhớ chúng ta rằng việc tiết kiệm tiền đóng vai trò quan trọng và là bước cơ bản để đạt tự do tài chính cá nhân. Chỉ khi chúng ta ý thức được lý do bắt đàu, chúng ta mới có động lực duy trì, thay đổi thói quen, đến gần các mục tiêu tài chính và cuộc sống chúng ta lựa chọn.

    Bài viết liên quan

    Leave a Comment