Trong quá trình đào tạo và tư vấn, mình nhận được nhiều câu hỏi của cha mẹ liên quan đến cách thức dạy con về tiền bạc. Điều này thể hiện tư duy tích cực của các bậc cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Tuy nhiên, mình cũng nhận thấy bên cạnh nhu cầu là sự bối rối, băn khoăn không biết nên bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào?
Bài viết này là một phần cơ bản nhất, cho ban thấy được 3 yếu tố quan trọng trong nhận thức dạy con về tiền bạc. Bạn tìm đọc thêm ở blog các bài viết tương tự cũng như các khóa học online cùng chủ đề để có khung kiến thức cần thiết.
Tại sao cần phải dạy con về tiền bạc?
Chúng ta đang sống trong một thế giới chuyển động không ngừng. Sự phát triển của công nghệ 4.0 giúp cho việc tiếp cận thông tin trở nên nhanh chóng, dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cái click chuột, muôn vàn sản phẩm và lựa chọn hiển hiện ngay trước mắt chúng ta. Nhưng đổi lại, những hệ lụy từ việc “thông tin quá tải hơn nhu cầu thực tế” đã dẫn chúng ta đi vào con đường mua sắm vô tội vạ và vòng xoáy của nợ nần.
Bên cạnh đó, sự cổ xúy của truyền thông vào các giá trị vật chất, phần nào đã mang lại những ảo tưởng về sự hào nhoáng và dư thừa. Phần lớn tin tức mỗi ngày đều cập nhập về xu thế thời trang, ăn mặc và những câu chuyện ngoài lề của giới nghệ sỹ. Trong bức tranh chung đó, chúng ta vô tình bị cuốn theo những vẻ đẹp bên ngoài, và có quá ít thời gian để đánh giá lại chính nhu cầu của bản thân.

Ngoài ra, sự phát triển của các dịch vụ tài chính, theo sự chạy đua giành chiếm thị phần của những tập đoàn lớn, khiến cho việc tung ra các sản phẩm vay nợ tiêu dùng ngày càng nhiều, phần nào thỏa mãn cho những ham muốn nhất thời của người tiêu dùng mà bỏ qua những hệ lụy lâu dài về sau. Chúng ta đang thực sự thiếu hụt những kiến thức nền tảng về tài chính, về tiền bạc, và trở thành nạn nhân trong vòng xoáy tiêu thụ không biết mệt mỏi.
Hậu quả của việc này không diễn ra tức thời, mà ngấm ngầm bên trong, trở thành ý thức hệ, và phản ánh chính quan niệm sống của thời đại. Không ít những đứa trẻ hiện nay xem điện thoại và màn hình máy tính quan trọng hơn những cuộc trò chuyện bên ngoài. Và chính chúng ta – những bậc làm cha làm mẹ, vì quá nuông chiều con, đã đẩy con vào những khó khăn không lối thoát.
Trong những cuộc trò chuyện với các bậc phụ huynh, mình nhận ra rằng, phụ huynh chưa hề đánh giá cao việc trang bị cho con những kỹ năng thiết yếu về tài chính để lên kế hoạch và thiết lập mục tiêu cuộc đời. Hầu hết cha mẹ đều thừa nhận, họ đang thiếu sót những kỹ năng đó, nhưng việc nhận thức đúng dẫn đến hành động đúng cần sự nỗ lực, kiên trì, bền bỉ và quan trọng là có người hướng dẫn đi trước.

03 yếu tố quan trọng khi dạy con về tiền bạc
Đây là một câu hỏi rất hay, và việc trả lời sẽ không thể đồng nhất cho tất cả. Nó xuất phát từ ba trụ cột sau:
- Sự sẵn sàng của chính cha mẹ
- Sự phát triển của con theo khung đo về nhận thức đối với tài chính
- Hoàn cảnh thực tế của gia đình
Một lần nữa, mình luôn khẳng định rằng, việc dạy một đứa trẻ nên được coi là cơ hội để chúng ta nhìn nhận sâu hơn chính bản thân mình. Một đứa trẻ sẽ học hỏi thông qua bắt chước, và nhiệm vụ của cha mẹ chính là làm gương.
Cải thiện tư duy tài chính của cha mẹ
Điều quan trọng đầu tiên để chương trình giáo dục tài chính cho con được phát huy đúng theo ý nghĩa của nó chính là cha mẹ phải sẵn sàng rà soát lại chính những hành vi của mình đối với tài chính, mà cụ thể hơn là cách thức chúng ta ứng xử với tiền bạc mỗi ngày.
Hiểu giai đoạn phát triển của con
Yếu tố thứ hai cũng không kém phần quan trọng, chính là chúng ta hiểu con mình đang ở giai đoạn phát triển nào. Những nghiên cứu về tâm lý học hành vi của Đại học Cambridge khuyên các bậc cha mẹ dạy cho con các khái niệm căn bản về tiền ở độ tuổi lên ba bằng việc nhận diện các con số.
Khi trẻ lên năm, trẻ bắt đầu có sự quan sát thế giới, nhận định được cách thức ứng xử của mọi người xoay quanh tiền bạc, nhu cầu và sự đáp ứng, từ đó trẻ sẽ diễn giải theo chính khả năng nhận thức của bản thân. Việc giao tiếp từ sớm với trẻ sẽ bồi đắp năng lực phán đoán và ra quyết định sau này trong cuộc sống của trẻ.

Hoàn cảnh thực tế của gia đình
Hơn hết, việc dạy con về tài chính không thể thiếu yếu tố thứ ba: hoàn cảnh thực tế của gia đình. Không thể áp dụng nguyên mẫu các chương trình nước ngoài tại Việt Nam. Chúng ta cũng không thể đồng hóa một khung chương trình cho tất cả các gia đình. Mỗi câu chuyện là một xuất phát điểm cần có sự điều chỉnh để đi đến hiệu quả. Dạy cho một đứa trẻ trong gia đình trung lưu sẽ khác với đứa trẻ sinh sống ở mức cận nghèo.
Tương tự, việc tiếp cận về tài chính đối với trẻ thành thị sẽ khác nhau rất nhiều so với việc cung cấp cùng thông tin đó cho trẻ em nông thôn. Sự thấu hiểu đúng hoàn cảnh và linh hoạt biến chuyển là rất quan trọng.
Các thông tin trên chỉ là những phần bắt đầu trên hành trình khám phá vẻ đẹp Tài chính trong cuộc sống của chúng ta. Sự cam kết và đồng hành của cha mẹ, nhà trường, những người làm giáo dục luôn là điều kiện tiên quyết để việc ứng dụng đạt hiệu quả cao nhất.
Mình luôn tin tưởng vào một tương lai tương sáng, khi mà mọi trẻ em – những trụ cột của đất nước – hiểu giá trị những gì mình đang có, nỗ lực cống hiến cho đất nước tốt đẹp hơn.