Nếu bạn hay theo dõi các bài viết về chủ đề tài chính cá nhân bằng tiếng Anh, bạn sẽ bắt gặp khái niệm frugal living. Cụm từ dịch sang tiếng Việt là lối sống thanh đạm, tối giản – một cụm từ không quá thông dụng tại Việt Nam cho nên mình sẽ sử dụng nguyên gốc từ tiếng Anh trong xuyên suốt bài viết này.
Frugal living là gì?
Có khá nhiều định nghĩa về cụm từ này trên nhiều trang blog nước ngoài. Trong bài viết này, mình sẽ đưa ra khái niệm về frugal living dựa trên kiến thức và trải nghiệm của bản thân. Mà thật ra, một khái niệm sẽ không bao quát hết, quan trọng chúng ta nắm cốt lỗi và thực hiện để trải nghiệm.

Frugal living có nghĩa là tự chủ cuộc sống của bạn và đưa ra những quyết định thông minh hơn về cách sống.
Sống thanh đạm, tối giản không phải là sống rẻ tiền hay bần tiện. Ý nghĩa sống thanh đạm sâu sắc hơn nhiều. Đó là về chi tiêu thông minh và tiêu dùng có trách nhiệm.
Nói một cách đơn giản nhất, frugal living khuyến khích mọi người thực hiện lối sống từ bỏ những gì không thực sự quan tâm để có thể có được những gì mà bạn thực sự mong muốn.
Tại sao frugal living lại trở thành xu hướng trên toàn thế giới hiện nay?
Có rất nhiều nguyên nhân trong cuộc sống hiện tại, khiến con người phải quay về lại cuộc sống tiết kiệm nhất. Dịch bệnh bùng phát, khó khăn trong tìm kiếm việc làm, chi tiêu quá mức gây ảnh hưởng đến môi trường sống,… Nền kinh tế bị khủng hoảng, khiến cho không ai biết trước được chuyện gì sẽ diễn ra sắp tới. Chính vì vậy, mọi người, bất kể thu nhập như thế nào, đều bắt đầu đặt ra câu chuyện tiết giảm chi tiêu, để dành cho nhiều mục tiêu tài chính khác nhau.
Đó là lí do tại sao mình lại có nhiều bài viết về chủ đề frugal living trong blog này. Lý do đơn giản nhất đó chính là lối sống mà mình theo đuổi. Lý do thứ hai chính là việc sống theo frugal living giúp rất nhiều cho môi trường, các mối quan hệ và sự phát triển bền vững. Một lối sống chú trọng vào tính chủ đích, cốt lõi, chứ không đánh vào các nhu cầu nhất thời không cần thiết.
Những hiểu nhầm về frugal living

Frugal living không phải là chuyện của riêng ai đó.
Tại Việt Nam, khái niệm frugal living còn quá mới mẻ, xa lạ nên hầu như ít người quan tâm đến. Thậm chí, số người biết thì cho rằng, frugal living không phải là vấn đề gì quá quan trọng để thực hiện trong đời sống hàng ngày.
Benjamin Franklin từng nói “A penny saved is a penny earned.” (Một xu tiết kiệm được là một xu kiếm được). Đôi khi việc bạn kiếm được nhiều tiền không dẫn bạn đến cuộc sống tự do, mà chính là cái cách bạn giữ tiền và chi tiêu với khoản kiếm được ra sao mới quan trọng.
Frugal living, một lần nữa, không phải chỉ là tiết kiệm – tức là mỗi tháng bạn để dành bao nhiêu. Đó là lối sống, một lối sống tích cực và mang lại giá trị cho bản thân và người khác. Bạn xác định rõ giữa nhu cầu và mong muốn, chi tiêu có kế hoạch, mua sắm và sử dụng sản phẩm bền vững cho môi trường và cộng đồng.
Đó là lý do xuyên suốt trang blog, bạn sẽ bắt gặp nhiều bài viết của mình về chủ đề tiêu dùng bền vững, sống tối giản hay frugal living. Mình hy vọng bản thân và độc giả sẽ lớn lên từng ngày theo trang blog, với những kiến thức và trải nghiệm thiết thực nhất.

Frugal living không phải là sống một cách rẻ tiền – bần tiện
Rất nhiều người lầm tưởng rằng sống thanh đạm – frugal living đồng nghĩa với bần tiện, dè xẻn trong chi tiêu. Rẻ tiền và chi tiêu trong nhận thức là hai chuyện hoàn toàn trái ngược nhau. Bạn vẫn có khoản để hưởng thụ cuộc sống. Ngay khi đặt lên bàn cân giữa một cuốn sách hay khóa học bổ ích với việc mua sắm những món tùy hứng thì bạn sẽ biết rằng frugal living thật ra đáng giá hơn hai chữ bần tiện rất nhiều.
Một ví dụ đơn giản chính là reused – tái sử dụng hàng hóa. Các trang web về đồ secondhand hiện rất nhiều, mẫu mã đa dạng, gia tăng thêm vòng đời của quần áo, và đặc biệt là bạn chỉ cần bỏ ra một khoản rất nhỏ cho cùng một giá trị khi mua mới.
Hay như nhiều quan điểm về việc vay tiền mua nhà to đùng để ở hay thuê nhà vừa đủ diện tích. Tại mỗi thời điểm, nếu bạn làm tốt việc hoạch định ngân sách, bạn sẽ thấy rằng sống có mục tiêu hoàn toàn là chuyện có thể thực hiện được.
Một câu hỏi khác rất hay mà bạn cần động não: Bạn sẽ ưu tiên mua sản phẩm giá thành cao – đồng nghĩa chất lượng cao thời gian sử dụng dài hạn – hay là món đồ giá thành thấp, sử dụng trong một thời điểm rồi thôi. Câu hỏi này gây ra khá nhiều tranh luận và góc nhìn khác nhau và chắc chắn không thể có sự phân định rạch ròi. Miễn là bạn hiểu lý do đằng sau việc mua hàng, và thời điểm sử dụng món đồ đó là được.

Thay đổi một lối sống không hề là chuyện dễ dàng. Nhưng nếu không bắt đầu thì mãi mãi chúng ta không đi đến đâu cả đúng không?
Bắt đầu frugal living bằng điều đơn giản nhất
Bản thân mình thực hiện frugal living được khoảng vài tháng, lý do bắt đầu cũng không phải to tát gì, chỉ là vì mình buộc phải cân đối lại các khoản chi tiêu trong thời gian bùng dịch Covid. Việc đi chợ mỗi tuần thay vì hai, ba ngày một lần giúp mình cân đong đo đếm và chủ động kết hợp các món. Việc tự nấu ăn thay vì ra ngoài giúp mình cắt giảm một khoản kha khá mỗi tháng. Đấy mình bắt đầu mọi thứ rất đơn giản, chứ không rối rắm mọi thứ lên rồi bỏ ngang.
Frugal living bao trùm mọi mặt trong cuộc sống: ăn, mặc, ở, tiêu dùng…. Thay vì phức tạp hóa, bạn có thể bắt đầu ở khoản nào bạn cảm thấy thoải mái nhất. Đừng cố gắng hoàn hảo quá mọi việc. Mình thích nhất câu nói: CÁCH BẠN LÀM MỘT VIỆC LÀ CÁCH BẠN LÀM MỌI VIỆC. Đơn giản, chi tiết là chìa khóa vấn đề để theo đuổi lâu dài.
Yay, vậy đối với một người mới bắt đầu frugal living thì sẽ như thế nào nhỉ?
6 cách dễ dàng để thực hiện frugal living

Thiết lập ngân sách
Quay trở lại lộ trình để tự do về tài chính, bạn sẽ thấy câu chuyện ngân sách luôn được nhắc đi nhắc lại. Kế hoạch là cách bạn đạt mục tiêu, và trong mỗi kế hoạch, việc lên ngân sách giúp bạn hình dung rõ hơn về các khoản cần thực hiện.
Ví dụ, mình muốn đăng kí khóa học về Giáo dục tài chính cá nhân. Khóa học có mức phí khoảng 50 triệu, và mình muốn ba tháng nữa bắt đầu. Đó là mục tiêu gần. Như vậy, hiện tại mình sẽ ngồi lên kế hoạch để phân bổ các hạng mục chi phí, tiết kiệm khôn ngoan, cộng với khoản riêng dành cho giáo dục và phát triển bản thân. Các khoản du lịch, hội hè sẽ được loại trừ ra. Chi tiêu cho các vật dụng đắt tiền cũng cắt giảm, vì đối với mình những khoản đó không có cũng không ảnh hưởng gì.
Tiết kiệm khi mua sắm
Đây chắc chắn là một điều cần thiết, ngay cả khi bạn có ý thức thực hành frugal living hay không. Việc mua sắm không mục đích có một cái hại chính là chúng ta dễ bị cám dỗ bởi quảng cáo tiếp thị. Bạn đi siêu thị có bao giờ ghi chú các khoản cần mua không? Bạn có ngồi kiểm tra lại các hóa đơn thanh toán? Bạn có tận dụng các chương trình khuyến mãi? Đăng kí thành viên thân thiết để tích lũy điểm. Tất cả những việc này sẽ giúp bạn mua sắm thông minh hơn đấy.

Mua sắm có trách nhiệm
Khác với tips ở trên, mua sắm có trách nhiệm chính là việc bạn lựa chọn các nhà cung cấp có đóng góp cho cộng đồng. Chúng ta là một mắc xích trong chuỗi cung ứng lớn, cho nên việc mua ở những nhà cung cấp có cam kết bền vững là sự lựa chọn đúng.
Bạn nên mua ở những nơi khuyến khích tái sử dụng bao bì, hạn chế nylon. Những nhà sản xuất có chứng nhận fair trade, organic hay tiêu chuẩn sạch góp phần bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe.
Tái sử dụng
Hãy nhìn quanh căn nhà của bạn. Rất nhiều vật dụng thừa đúng không? Dọn dẹp căn nhà, cái nào có thể tái sử dụng được thì làm. Bạn sẽ thấy rằng, chúng ta không cần quá nhiều thứ mới sống tốt được.
Chế độ ăn dinh dưỡng
Ăn uống khoa học giúp bạn rất nhiều, không chỉ bảo vệ sức khỏe mà tiết kiệm nhiều chi phí khám chữa bệnh. Việc ăn mùa nào thức nấy, đặc biệt là đồ ăn địa phương, với quy trình sản xuất ngắn sẽ giúp chúng ta có lối sống bền vững hơn.
Nếu bạn không giỏi (hoặc không thích hoặc không có thời gian), bạn nên ý thức hơn trong việc ăn ngoài. Lựa chọn địa điểm có các chương trình khuyến mãi, coupon để giảm giá mà vẫn có bữa ăn ngon
Tận hưởng cuộc sống
Không phải chi tiêu quá nhiều tiền thì chúng ta mới tận hưởng được cuộc sống. Chỉ một chuyến dã ngoại hay du lịch bụi cũng giúp bạn khám phá và mở mang hiểu biết hơn rất nhiều những chuyến đi chơi xa xỉ. Những món đồ chơi đắt tiền chắc chắn sẽ không bằng những cuộc trò chuyện thân thiết với con cái. Tất cả đều là cuộc sống, quan trọng bạn lựa chọn việc gì và tận hưởng ra sao.

Các blog về frugal living nổi tiếng
Tổng hợp trong bài viết là 6 blog về chủ đề frugal living nổi tiếng trên toàn thế giới, có lượt view cao, và hầu như đều nằm trong bức tranh chung về lối sống tối giản và tài chính cá nhân
ThebalanceEveryday: Trang này có số lượng bài viết đa dạng phong phú và là một trong những ngồn ideas cho cá nhân mình. Website làm trong group The Balance chuyên về tài chính cá nhân, và group này cũng nằm trong công ty mẹ là DotDash – một công ty truyền thông đa lĩnh vực
TheFinanceBar: Một trong những trang web có cách tiếp cận vô cùng độc đáo mà mình siêu thích – chuyến xe bus màu vàng mang kiến thức về tài chính cá nhân đến cho mọi người. TheFinanceBar cho mình một bức tranh mindset rộng hơn về tài chính cá nhân trên phương diện giáo dục. Đối tượng tổ chức này hướng tới chính là cặp đôi và phụ nữ thông qua hình thức coaching và learning hub.

Hisandhermoney lại có đối tượng ngách là cặp đôi và gia đình. Bạn sẽ thấy hai founder cũng chính là vợ chồng, từng bước xây dựng sự nghiệp bền vững từ những khó khăn. Cách thức trang blog này hướng tới chính là giải quyết triệt để nợ – một thứ có thể khiến cuộc sống bạn đầy rắc rối – nên bạn phải thoát nợ càng sớm càng tốt. Đây cũng chính là quan điểm của cá nhân mình khi xây dựng road map – lộ trình hướng đến tự do tài chính – cho độc giả của blog kenhtaichinhcanhan.com
Jessi Fearon lại là mọt blog cá nhân mình đánh giá khá tốt ở điểm có nhiều tài liệu free cho một newbie. Bạn có thể bắt đầu được ngay việc thiết lập ngân sách, thoát nợ,… Blog rất thích hợp cho các bạn là mẹ bỉm sữa.
5dollardinners là sự kết hợp giữa food blogger và tài chính cá nhân. Với super niche này, Erin Chase dường như tiếp cận được tệp khách hàng rộng lớn là những người phụ nữ vừa muốn chăm lo gia đình thông qua bữa cơm vừa muốn tiết kiệm chi tiêu tối đa.

TheMinimalists Đây là một trong những trang blog mình thích nhất về chủ đề sống tối giản và thanh đạm. Mọi thứ sạch sẽ đơn giản ngay từ trang giao diện, mà mình học được khá nhiều về tư duy trong quá trình viết bài và soạn nội dung.
Mình cũng mượn câu nói trên blog The Minimalists làm câu kết cho bài viết khá dài này.
Minimalism is the thing that gets us past the things so we can make room for life’s important things—which aren’t things at all.
Hơn hết, mọi thứ chúng ta đang làm, từ cái blog mình viết, đến chủ nghĩa tiêu dùng mà bạn theo đuổi, cũng nhằm tiến đến HẠNH PHÚC. Cái đích của tự do tài chính không nhằm bỏ bớt đi, mà nhằm tạo ra nhiều khoảng trống hơn, cho thời gian, cho sáng tạo, cho trải nghiệm, và cho đủ đầy