Đứng trên vai trò là một người tư vấn, mình được tiếp xúc với khá nhiều khách hàng có và chưa có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Qua trao đổi mình thấy tỉ lệ khách hàng hiểu về hợp đồng là khá ít. Khách quan mà nói, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tuy là tài sản của cá nhân nhưng rất nhiều điều khoản pháp lý mà nếu không có kiến thức tổng quan thì sẽ khó nắm bắt. Chính vì lẽ đó, trong bài viết này, mình sẽ đưa ra bức tranh chung để một khách hàng có kiến thức nền. Thông tin này có thể phục vụ khách hàng giai đoạn trước khi có hợp đồng và giúp khách hàng tra cứu nhanh chóng ngay khi cầm được hợp đồng bản in trong tay.
Nguyên tắc của bài viết sẽ không đi vào chi tiết vì rất dễ làm cho bạn bị rối. Mình sẽ đưa ra 7 điểm quan trọng để bạn có cái nhìn tổng quan, từ đó dựa vào hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thực tế ở mỗi công ty, bạn sẽ có sự đối chiếu và so sánh cụ thể. Chắc chắn khi đụng đến hợp đồng là khi đụng đến từ ngữ Luật, nên mình cố gắng diễn giải một cách đơn giản nhất, gần gũi nhất cho một khách hàng bình thường có thể hiểu.
Nguyên tắc khi đọc một bài tổng hợp là bạn hãy đi từ mục lục để nắm tổng quan. Sau đó, bạn có thể đọc từ trên xuống dưới hoặc đọc đi đọc lại ở đề mục mà bạn quan tâm nhất. Mình đã cài plugin khá xịn sò để bạn có thể sổ ngay mục lục trong suốt quá trình đọc bài viết đấy.
1. Đối tượng và sản phẩm
Đối tượng trong hợp đồng
Trong một hợp đồng bảo hiểm luôn có ba đối tượng như sau:
BÊN MUA BẢO HIỂM | NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM | NGƯỜI THỤ HƯỞNG |
Từ 18 tuổi trở lên trực tiếp kê khai và ký tên HSYCBH Đóng phí Quyền và nghĩa vụ | từ 30 ngày tuổi đến 65 tuổi | Bên mua BH chỉ định |
Ví dụ: mình sẽ là bên mua BH | mình là người được bảo hiểm chính (xem lý do tại sao mình là người được BH thay vì con trai mình) | Con trai và mẹ mình là người thụ hưởng |
Việc xác định đúng đối tượng sẽ giúp ích được gì?
- Hạn chế rủi ro tranh tụng về mặt pháp lý sau này (ly hôn, chia tài sản, các đối tượng tử vong…)
- Thứ tự ưu tiên nhận quyền lợi bảo hiểm
Cơ cấu sản phẩm trong hợp đồng
Sau khi nắm về các đối tượng, tiếp theo bạn cần ra soát các sản phẩm. Một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ luôn có sản phẩm chính, bao gồm hai quyền lợi cho rủi ro cao nhất là:
- Tử vong
- Thương tật toàn bộ vĩnh viễn (thương tật từ 81% hoặc mất, liệt hoàn toàn và không thể phục hồi hai trên sáu chi là tay, chân, mắt)
Sản phẩm phụ sẽ chia ra các nhóm sau:
- Nhóm sản phẩm về tai nạn
- Nhóm sản phẩm hỗ trợ viện phí
- Nhóm sản phẩm về bệnh hiểm nghèo
- Nhóm sản phẩm nằm viện điều trị, phẫu thuật
- Nhóm sản phẩm hỗ trợ tài chính người phụ thuộc hoặc miễn đóng phí
- Một vài công ty sẽ thiết kế riêng sản phẩm chuyên về Ung Thư chẳng hạn
Xem thêm cách thiết kế giải pháp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Khi đó, tùy sản phẩm bạn đã lựa chọn, bạn kiểm tra các thông tin sau:
- Người được bảo hiểm sản phẩm phụ là ai (con bạn hay bạn, hay một thành viên nào đó trong gia đình)
- Số tiền bảo hiểm là bao nhiêu
- Thời hạn đóng phí
- Thời hạn bảo hiểm (hai cái thời hạn này khác nhau)
Thường các thông tin này xuất hiện ngay từ đầu trang hợp đồng, gọi là giấy chứng nhận bảo hiểm.

2. Các cột mốc thời gian
THỜI GIAN CẦN LƯU Ý | ĐỊNH NGHĨA |
---|---|
Thời gian cân nhắc | 21 ngày kể từ ngày bạn nhạn hợp đồng bản in, ký vào giấy bàn giao hợp đồng Mốc thời gian này quan trọng vì bạn được toàn quyền đọc hợp đồng, không hiểu hỏi tư vấn ngay Thậm chí, bạn có quyền bổ sung, hủy, thay đổi thông tin trong hợp đồng nếu muốn. |
Ngày hiệu lực hợp đồng | Bạn sẽ thấy thông tin này trên hợp đồng của bạn, xác nhận rằng HSYCBH của bạn đã được hoàn tất và làm cơ sở để thực hiện các quyền và nghĩa vụ được ghi trên hợp đồng |
Ngày kỷ niệm hợp đồng | Rồi, từ ngày hiệu lực ở trên, thì hàng năm sẽ có ngày kỷ niệm. Đơn giản ha |
Thời hạn bảo hiểm | Là thời gian có hiệu lực của hợp đồng. Các dòng UL hay IL sẽ có thời hạn bảo hiểm đến 100 tuổi. Các dòng sản phẩm khác sẽ có thời hạn bảo hiểm xác định khác nhau |
Thời hạn đóng phí | Bằng với thời hạn bảo hiểm. Tùy vào từng loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ có đóng phí bắt buộc và đóng phí linh hoạt cho sản phẩm chính |
Ngày đến hạn đóng phí | Là ngày đóng phí định kì (nếu bạn chọn định kì là năm thì đơn giản cứ suy ra ngày kỷ niệm hợp đồng. Nếu bạn chọn là tháng và quý thì theo dõi chặt hơn nhé) |
Thời gian gia hạn đóng phí | Rồi, từ cái này đến hạn đóng phí ở trên, bạn vẫn có “quyền” gia hạn thêm 60 ngày. Nếu qua tiếp 60 ngày này mà bạn vẫn hổng muốn đóng phí thì say good bye vì hợp đồng mất hiệu lực. |
Khôi phục hiệu lực hợp đồng | Khi hợp đồng mất liệu lực thì sao? Nếu bạn là bên mua, bạn sẽ thể yêu cầu khôi phục hiệu lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày mất hiêu lực và đương nhiên cả bên mua BH và người được BH đủ điều kiện tham gia. |
Ngày đáo hạn | Là ngày cuối cùng của thời hạn hợp đồng. Ví dụ như hợp đồng UL của mình là đến khi mình 100 tuổi. Còn các hợp đồng có kì hạn ngắn hơn thì cũng thể hiện rõ trong bảng minh họa hoặc tờ chứng nhận. |
Thời gian chờ | Thời gian chờ rất quan trọng, bạn cần nắm để đừng ỷ y là có hợp đồng bảo hiểm xong là được bồi thường ngay và luôn: – Đối với bệnh hiểm nghèo, nếu bị chẩn đoán mắc phải trong vòng 90 ngày kể từ ngày hiệu lực hợp đồng thì bạn không được chi trả quyền lợi. Ngoài ra còn có khoản thời gian chờ tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo nữa. Tùy công ty sẽ dao động từ 0 đến 30 ngày. Nôm na dễ hiểu là ngày hiệu lực + 90 ngày rồi hãy bệnh + thời gian chờ tử vong rồi hãy … die – Tương tự như các sản phẩm phụ khác đều quy định thời gian chờ hết. Bạn rà soát thông tin này trong điều khoản. |
Giải quyết quyền lợi | Rồi. Bây giờ nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì sao? Bên mua và người thụ hưởng phải sự kiện cho công ty bảo hiểm chứ sao. Thời gian nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm là 1 năm (trừ trường hợp bất khả kháng) Sau khi nhận đủ hồ sơ, công ty sẽ giải quyết: – trong vòng 5 ngày cho quyền lợi đáo hạn – tối đa không quá 30 ngày cho quyền lợi khác. |

3. Phí trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Phù, chúc mừng bạn đã đi qua hai phần đầu tiên. Bây giờ đến một phần cũng khá phức tạp trong một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, liên quan đến các con số. Mình sẽ đưa ra thông tin đơn giản nhất để bạn dễ hình dung nhé.
Ba loại phí đầu tiên
Đầu tiên sẽ là series ba loại phí sau. Đơn giản nhất bạn sẽ tìm thấy định nghĩa ngay ở điều 1 của hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm.
CÁC LOẠI PHÍ | Ý NGHĨA |
---|---|
Phí bảo hiểm cơ bản | Từ số tiền bảo vệ (sản phẩm chính) + tuổi +giới tính + tình trạng sức khỏe + nhóm nghề => phí bảo hiểm cơ bản |
Phí bảo hiểm định kỳ | Gồm phí bảo hiểm cơ bản + phí bảo hiểm của các sản phẩm bổ sung theo kỳ đóng phí (tháng/ quý/ năm) |
Phí bảo hiểm đóng thêm | Đóng đủ hai loại phí trên, nếu muốn đóng thêm nữa thì người ta gọi là phí bảo hiểm thêm. |

Các khoản phí có thể khấu trừ
Sẵn sàng chưa nè, vì phần này chúng ta sẽ đi qua đến 6 loại phí khác nhau lận đấy.
CÁC KHOẢN PHÍ CÓ THỂ KHẤU TRỪ | ĐỊNH NGHĨA |
---|---|
Phí ban đầu | Ở trên bạn đã biết về hai khái niệm là phí bảo hiểm cơ bản và phí bảo hiểm đóng thêm đúng không? Ở đây bạn sẽ thấy, sau khi đóng hai khoản ở trên, công ty bảo hiểm sẽ trừ ngay sau mỗi lần bạn đóng phí. Tùy vào mỗi công ty sẽ có mức khấu trừ phí ban đầu khác nhau. Tính riêng trong 5 năm đầu tiên và chỉ cho phí bảo hiểm cơ bản của dòng UL thì: – Sun Life là 187% – Hanwha Life là 120% – Cathay Life là 150% Và sau đó tỉ lệ khấu trừ từ cột mốc năm thứ 5 và thứ 10 tại các công ty lại khác nhau nữa. Nói như vậy để hiểu rằng, việc so sánh phí giữa các công ty là hoàn toàn khập khiễng vì mỗi bên sẽ có cấu phí và thế mạnh ở một ngách phân khúc nhất định. |
Phí bảo hiểm rủi ro | Phí này được khấu trừ hàng tháng từ giá trị tài khoản và phụ thuộc vào rất rất nhiều biến số trong đó, nên sẽ không bao giờ cố định trong suốt thời hạn hợp đồng. Bạn sẽ thấy đôi khi qua thẩm định, vì lý do sức khỏe, khách hàng có thể bị tăng phí rủi ro Hoặc như hợp đồng bảo hiểm luôn có quyền lợi LINH HOẠT ĐÓNG PHÍ. Tuy nhiên, bạn phải hết sức cân nhắc vì như bạn rút/ giảm/ không đóng cho một năm nào đó thì giá trị tài khoản sẽ biến động, phí rủi ro sẽ ảnh hưởng theo, từ đó thời hạn bảo vệ cho bạn cũng ảnh hưởng. |
Phí quản lý hợp đồng | Phí này thì đơn giản dễ hiểu. Trừ mỗi tháng vài chục ngàn để công ty quản lý hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bạn. Phí có mức sàn và mức trần nhé. |
Phí quản lý quỹ | Dòng sản phẩm mình đưa ra phân tích trong bài viết là dòng Liên Kết Chung. Từ đó mỗi năm sẽ có phí quản lý quỹ không vượt quá 2%/ năm |
Phí hủy hợp đồng trước hạn | Nghe thì chắc khách hàng không vui lắm đâu nhưng tất cả các công ty đều có phí này nếu bạn hủy trước hạn, thông thường sẽ là 10 năm. Ở những năm đầu tiên, phí hủy có thể lên đến 100% phí bảo hiểm cơ bản định kỳ theo năm. Nên mình luôn nói rằng, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một kế hoạch tài chính cá nhân trong dài hạn, không phải chuyện đùa |
Phí rút từ giá trị tài khoản | Các công ty đều có khoản phí này (khoản 2% số tiền rút) và cũng có luôn quy định về rút tiền miễn đóng phí. |

4. Quyền lợi bảo hiểm
Đối với một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, khách hàng sẽ nhận được nhiều quyền lợi được quy định rõ ràng trong điều khoản. Ở đây, mình sẽ liệt kê theo nhóm, từ đó bạn sẽ rất dễ dàng tra cứu cùng với tư vấn viên.
STT | NHÓM QUYỀN LỢI | NỘI DUNG |
---|---|---|
1 | Quyền lợi bảo vệ | Các hạng mục trong sản phẩm chính: – Tử vong – Thương tật toàn bộ/ vĩnh viễn => Kiểm tra số tiền bồi thường trong mỗi trường hợp – Các hạng mục tùy theo công ty như: Sunlife sẽ có thêm tạm ứng quyền lợi ung thư giai đoạn cuối Hanwha sẽ có thêm tử vong do tai nạn (thêm 100% số tiền bảo hiểm) Hanwha sẽ có thêm bệnh nặng giai đoạn cuối |
2 | Quyền lợi tiết kiệm | – Quyền lợi đáo hạn – Hưởng lãi từ kết quả đầu tư – Quyền lợi duy trì hợp đồng – Quyền lợi thưởng đặc biệt/ đồng hành – Ưu đãi dành cho số tiền bảo hiểm cao |
3 | Quyền lợi khác | – Rút 1 phần từ giá trị hoàn lại – Thay đổi số tiền bảo hiểm – Rút tiền tự động – Tạm ứng từ giá trị hoàn lại – Tăng số tiền bảo hiểm miễn thẩm định – Linh hoạt đóng phí |
Liên hệ đặt lịch tư vấn. Nhu cầu của bạn sẽ được phân tích giải pháp đồng thời nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ

5. Điều khoản loại trừ
Ở đây mình sẽ đưa bức tranh chung về các lý do khiến khách hàng có thể không nhận được bồi thường.
STT | LÝ DO TỪ CHỐI GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI BẢO HIỂM | TỶ LỆ | VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý |
---|---|---|---|
1 | Nhóm lý do vi phạm điều khoản loại trừ | 30% | Kiểm tra điều khoản sản phẩm |
2 | Không cần thiết nằm viện về mặt y khoa | 22% | Phải đối chiếu danh mục bệnh theo quy định |
3 | Bệnh tồn tại trước, không kê khai | 19% | Tư vấn đúng đủ |
4 | Không thỏa điều kiện chi trả – bảng tỷ lệ thương tật | 8% | Kiểm tra điều khoản sản phẩm |
5 | Không thỏa điều kiện thời gian chờ theo điều khoản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ | 2% | Kiểm tra điều khoản sản phẩm |
6 | Quá hạn bổ sung thông tin/ chứng từ | 19% | Kết nối chặt chẽ giữa khách hàng và tư vấn viên |
Xem thêm: video giải thích kỹ các lý do khách hàng bị từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm – TCA
Video hai tầng bảo vệ dành cho khách hàng thông qua TCA

6. Thủ tục giải quyết quyền lợi bảo hiểm
Các giấy tờ cần thiết
Ở đây mình sẽ đưa ra các loại giấy tờ càn thiết chung nhất cho tất cả trường hợp. Sau đó chia nhỏ ra từg quyền lợi cho bạn dễ nắm.
Giấy tờ | Quyền lợi |
---|---|
Giấy yêu cầu giải quyết quyền lợi theo mẫu | Tất cả các trường hợp |
Bản sao CMND/ Hộ chiếu/ Thẻ căn cước công dân của người nhận quyền lợi bảo hiêm | Tất cả các trường hợp |
Quyền lợi tử vong

Quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn

Quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo

Quyền lợi hỗ trợ viện phí

Quyền lợi thương tật bộ phận vĩnh viễn

Xem thêm các yêu cầu khác về nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hiểm của Sun Life
7. Liên lạc giữa tư vấn – khách hàng – công ty bảo hiểm

Wow, chúng ta đã đi đến điểm số 7 trong một bài viết tổng quan nhất về một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Ở phần này mình sẽ nói qua về cách thức khách hàng liên hệ với công ty bảo hiểm như thế nào trong suốt thời hạn hợp đồng. Sẽ luôn có các cách như sau:
- Liên hệ ngay cho tư vấn viên. Quan điểm làm nghề của mình là khi một hợp đồng bảo hiểm được giao kết, đấy chính là khi dịch vụ được bắt đầu. Người tư vấn viên đóng vai trò là bạn, cùng giữ mối quan hệ trong suốt thời gian còn lại với khách hàng chứ không chỉ “lụm tiền” rồi bỏ đi. Mọi thông tin thay đổi về ngành nghề, cư trú, sự kiện bảo hiểm phải được thông báo ngay bạn nhé.
- Cấp trên của tư vấn viên. Khi thực hiện bàn giao, bạn hãy xin luôn số điện thoại người cấp trên của tư vấn viên. Điều này đảm bảo quyền lợi của bạn một cách tối đa, tránh bị trường hợp khách hàng mồ côi sau khi tư vấn viên nghỉ việc.
- Hotline công ty bảo hiểm. Một lời khuyên cho bạn là hãy liên lạc thông qua cả hai hình thức là điện thoại và email để có thể lưu trữ MỌI BẰNG CHỨNG. Thông tin của bạn có thể chưa được xử lý, hoặc lúc bạn gọi điện thoại hotline bận liên tục. Hãy gửi 1 email cho bộ phận chăm sóc khách hàng để biết rằng ngày abc tôi có liên hệ vấn đề xyz mà anh ô mê ga không có xử lý.
- Lên thẳng văn phòng công ty bảo hiểm.
- Đối với các tư vấn thông qua đại lý tổ chức như TCA – nơi mình đang làm việc, lợi thế là bạn sẽ có nguyên bộ phận back-up bao gồm số điện thoại, hotline và email. Thậm chí, công ty còn xây dựng văn hóa MỘT ĐIỂM CHẠM, tức là khách hàng – không phân biệt được tư vấn bởi ai – chỉ cần chạm vào 1 người trong công ty TCA – thì đều được giải quyết sự việc nhanh chóng, không có câu chuyện ông đá qua bà đá lại như thường lệ.
Tóm lại, bài viết trên đây vô cùng cần thiết cho một khách hàng mới tìm hiểu về Bảo hiểm nhân thọ và cũng giúp khách hàng rà soát lại môt lần nữa điều khoản tóm tắt khi nhận bàn giao hợp đồng. Còn đối với một tự vấn viên mới, bạn sẽ có công cụ để làm việc chuyên nghiệp với khách hàng. Khi thực hiện bàn giao, bạn hãy in ra, lấy bút ghi điều khoản rõ ràng hết mọi thứ. Khi đó hình ảnh của bạn sẽ cực kì chuyên nghiệp.