3 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả

by Thảo Lê
0 comment
3 bước lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả

Lập kế hoạch tài chính cá nhân là gì?

Ở các nước phát triển, việc lập kế hoạch tài chính được thực hiện định kỳ mỗi năm – đặc biệt giai đoạn cuối năm để có thể đề ra kế hoạch cụ thể cho năm tới. Cá nhân có thể tự lập kế hoạch hoặc có sự tư vấn từ các chuyên gia (financial planner) – những người có bằng chứng nhận CFP hoặc các bằng chuyên môn khác. 

Ở Việt Nam hầu như nhận thức về tài chính cá nhân còn khá mới mẻ. Chuyên gia trong lĩnh vực này chủ yếu là những người làm trong ngành tài chính (chứng khoán, bảo hiểm, tư vấn,…) chứ chưa có hẳn đội ngũ theo tiêu chuẩn chứng nhận. Chính vì vậy, đa phần các kế hoạch tài chính sẽ do tự bản thân lập ra, đo lường, đối chiếu và điều chỉnh theo từng năm để đạt mục tiêu. 

Lập kế hoạch tài chính cá nhân là việc sử dụng nguồn lực của cá nhân (tiền, các khoản tiết kiệm,…) theo từng giai đoạn (ngắn hạn, dài hạn) để đạt các mục tiêu cuối cùng. 

Theo Investopedia, một kế hoạch thông thường sẽ là một tài liệu bao gồm các thông tin chính:

  • Tình hình tài chính hiện tại của cá nhân và gia đình
  • Mục tiêu tài chính trong ngắn hạn và dài hạn 
  • Chiến lược để đạt được những mục tiêu đó
Lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả để độc lập tự do tài chính
Biết cách lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả để đạt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Nguồn ảnh: Investopedia

Những lưu ý khi lập kế hoạch tài chính cá nhân?

Việc lập kế hoạch tài chính cá nhân không đơn thuần là một tờ giấy ghi nhận lại các con số tài chính hiện tại và tương lai, mà còn phản ánh kỳ vọng, cảm xúc và những giá trị về lối sống và sự nghiệp mà chúng ta hướng đến. 

Để lập kế hoạch hiệu quả, chúng ta cần lưu ý các điểm sau:

  • Kế hoạch phải toàn diện nhưng cũng mang tính cá nhân hóa cao, để phản ánh các tình huống cá nhân và gia đình, khả năng chấp nhận rủi ro và những kỳ vọng trong tương lai.
  • Kế hoạch bắt đầu với việc tính toán giá trị ròng hiện tại và dòng tiền thu chi và hành động để đạt mục tiêu. 
  • Kế hoạch hướng đến mục tiêu dài hạn trong cuộc sống. Các mục tiêu ngắn hạn sẽ xoay quanh các mục tiêu dài hạn đó. 

Các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân?

Kiểm tra tình hình tài chính cá nhân hiện tại

Việc kiểm tra tài chính cá nhân hiện tại chính là thời điểm bạn ngồi liệt kê toàn bộ giá trị tài sản ròng hiện có, bao gồm:

  • Tài sản: đất đai, xe, nhà xưởng, tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu, sổ tiết kiệm, vàng hay các khoản tương đương, kể các các tài sản vô hình như bằng sáng chế hay giá trị thương hiệu tại thời điểm hiện tại. 
  • Nợ: bao gồm nợ thẻ tín dụng, nợ người thân quen, nợ lãi suất cao, nợ ngân hàng tín chấp hay thế chấp. 

Công thức đơn giản nhất về net worth – giá trị tài sản ròng chính là lấy tài sản trừ đi nợ 

Tiếp theo là xác định dòng tiền cá nhân. Dòng tiền vào và ra sẽ giúp bạn xác định số tiền cần chi tiêu mỗi tháng là bao nhiêu, từ đó xác định con số dành cho việc đầu tư, phát triển và tiết kiệm. 

Việc ngồi xem xét lại dòng tiền còn giúp bạn nhìn lại quá trình lao động tại công ty để xem xét mức độ trưởng thành, thăng tiến trong công việc. Bạn sẽ có chủ động đàm phán để đạt được thu nhập cao hơn. Hoặc thậm chí, bạn cũng có thể chuyển đổi công ty, mô hình kinh doanh để dòng tiền nhận về nhiều hơn.  

Việc ghi nhận dòng tiền ra vào cần thực hiện theo dõi trong vòng 1-3 tháng vì các khoản thu chi sẽ thường liên kết với nhau. Nếu dòng tiền thay đổi theo mùa (như các công việc kinh doanh online thời vụ), bạn còn cần ngồi xem lại dòng tiền ít nhất 6 tháng đến 1 năm. 

Một sai lầm thường thấy là thói quen không ghi chép các khoản chi tiêu đầy đủ. Những khoản chi lặt vặt, nhưng tích tụ dần giống như 1 lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền lúc nào không hay. 

Khi chúng ta nhìn vào bức tranh thu chi trong một khoảng thời gian, bạn sẽ thấy xuất hiện những thói quen tài chính có thể ảnh hưởng đến mục tiêu sau này. Đôi khi chúng ta nghĩ sự lãnh phí là một cái gì đó lớn lao, nhưng hãy thử cộng dồn khoản tiền chi cho khoản mục không thực sự cần thiết, cộng dồn lại, bạn sẽ thấy mình tiết kiệm được nhiều khoản kha khá đấy. 

Lập kế hoạch tài chính cá nhân theo 3 bước đơn giản dành cho người mới bắt đầu. Nguồn ảnh: TheBalance

Đặt ra mục tiêu tài chính cá nhân

Sẽ rất tùy thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh gia đình, công việc mà bạn có những mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, mục tiêu tổng thể trong cuộc sống một người sẽ bao gồm:

  • Quản lý dự phòng rủi ro
  • Đầu tư phát triển
  • Bất động sản, mua nhà hay thuê nhà
  • Các khoản giá trị cao như xe 
  • Các khoản đầu tư cho giáo dục hay phát triển bản thân như du học, học các cấp cao hơn, 
  • Sự kiện quan trọng trong gia đình như kết hôn, có con,…
  • Kế hoạch nghỉ hưu 
  • Các kế hoạch ngắn hạn như du lịch, mua sắm, tham gia khóa học,…

Các mục tiêu tài chính cần được ghi ra cụ thể (bằng giấy, file excel hoặc các công cụ quản lý). Việc ghi ra con số cụ thể giúp bạn hình dung được mục tiêu rõ ràng và có lộ trình từng bước để đạt được từng giai đoạn. 

Lập kế hoạch tài chính cá nhân cần có sự kỷ luật để đạt được mục tiêu
Kế hoạch tài chính cá nhân cần rõ ràng và khả thi. Nguồn ảnh: Internet

Thực hiện và đo lường kế hoạch tài chính cá nhân đã lập

Không cần điều gì quá to tát, hãy bắt đầu với hành động đơn giản nhưng đòi hỏi tính kỷ luật cao bằng cách áp dụng các phương pháp sau:

  • Phương pháp pay yourself first: trích lập tự động từ thu nhập một khoản tiền vào mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm hoặc/ và tài khoản đầu tư trước khi chi tiêu cho chi phí sinh hoạt hàng tháng và các khoản tùy ý. 
  • Nguyên tắc 50/20/30: một trong những nguyên tắc đơn giản và được áp dụng nhiều nhất trong việc lên quản lý ngân sách, tài chính cá nhân và gia đình. Nguyên tắc này phân chia theo tỷ lệ như sau: 50% (Must-haves) dành cho nhu cầu thiết yếu, bao gồm: ăn, mặc, ở, đi lại, Internet,… 30% (wants) dành cho chi tiêu, sở thích cá nhân, bao gồm: mua sắm, gặp gỡ bạn bè, khóa học phát triển, tiệc tùng. 20% (savings) còn lại dành cho việc tiết kiệm, trả nợ, đầu tư ngắn hạn và dài hạn
  • Nguyên tắc 6 chiếc hũ. Tương tự như nguyên tắc trên thì nguyên tắc này lại chia thành 6 chiếc hũ với tỉ lệ: hũ 1 – 55% cho nhu cầu thiết yếu, hũ 2 – 10% cho đầu tư, hũ 3 – 10% cho tiết kiệm, hũ 4 – 10% cho nhu cầu hưởng thụ cá nhân, hũ 5  – 10% cho giáo dục phát triển bản thân, hũ 6 – 5% cho từ thiện và các hoạt động cộng đồng. 

Các mục tiêu, kế hoạch cần có cột mốc thời gian hoàn thành để đo lường tiến độ. Các mục tiêu dài hạn như FIRE (nghỉ hưu sớm), du học, lập gia đình, có con,… đều cần được chia nhỏ thời gian để hoàn thành. Khi chúng ta thực hiện việc này đều đặn, có kỷ luật, chúng ta sẽ thấy rằng, đích đến không quan trọng bằng hành trình. Mỗi cột mốc đều là cách chúng ta trưởng thành và phát triển.

    Bài viết liên quan

    Leave a Comment