Quản lý chi tiêu tiết kiệm trong gia đình là nền tảng bước đầu để đạt được tự do về tài chính. Cho dù bạn có thu nhập bao nhiêu, xuất phát điểm như thế nào, chi tiêu và tiết kiệm chủ động luôn giúp bạn thoát được áp lực về nợ và có cuộc sống thoải mái hơn. Nguyên tắc 50 30 20 không mới, nhưng không nhiều người hiểu tường tận về cách thức lên ngân sách theo nguyên tắc này. Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những thông tin đầy đủ nhất.
Hiểu về nguyên tắc 50 30 20
Có thể nói đây là một trong những nguyên tắc đơn giản nhất, dễ hiểu nhất về việc lập ngân sách và quản lý chi tiêu tiết kiệm trong gia đình. Theo đúng như tên gọi, bạn sẽ chia thu nhập mỗi tháng thành ba phần:
50% (Must-haves) dành cho nhu cầu thiết yếu , bao gồm: ăn, mặc, ở, đi lại, Internet,…
30% (wants) dành cho chi tiêu, sở thích cá nhân, bao gồm: mua sắm, gặp gỡ bạn bè, khóa học phát triển, tiệc tùng
20% (savings) còn lại dành cho việc tiết kiệm, trả nợ, đầu tư ngắn hạn và dài hạn
Nguyên tắc này được đề cập đến trong cuốn sách “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” (Tạm dịch: “Tất cả những thứ bạn cần: Kế hoạch tài chính trọn đời” ) bởi tác giả nổi tiếng Elizabeth Ann Warren (Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, Hoa Kỳ) và con gái là Amelia Warren Tyagi (CEO của tập đoàn Business Talent).
Warren là một trong những người tiến bộ có ảnh hưởng nhất của Hoa Kỳ và là người đấu tranh lâu năm cho các gia đình lao động và trung lưu. Nếu bạn có theo dõi nhiều bài viết về chủ đề tài chính cá nhân của Ramsey (trong chương trình Ramsey Show), bạn sẽ thấy các quan điểm về tài chính của Warren khá cân bằng.
Vẫn đồng thuận trên quan điểm giải phóng khỏi áp lực nợ, nhưng Warren xếp việc trả nợ bằng 1 khoản mỗi tháng. Bên cạnh đó, bà vẫn khuyến khích mỗi cá nhân có ngân sách cho những việc khác để hưởng thụ cuộc sống.

Ưu điểm của nguyên tắc 50 30 20
- Vô cùng dễ thực hiện. So với các phương pháp khác như 6 chiếc lọ, hay Kakeibo, phương pháp này giúp bạn có thể thực hiện việc lên ngân sách chi tiêu tiết kiệm trong gia đình được ngay.
- Nguyên tắc này giúp bạn chẻ nhỏ những mục tiêu lớn trong tương lai như mua nhà, mua xe… thành những mục tiêu nhỏ từng tháng.
Ok, bây giờ chúng ta sẵn sàng đi vào tìm hiểu những con số cụ thể 50%, 30% và 20% là gì.

50% dành cho thu nhập thiết yếu
Cụm từ nhu cầu thiết yếu được hiểu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Hiểu một cách nôm na 50% này chính là những khoản gia đình bạn bắt buộc phải có.
Từ gốc tiếng Anh là NEEDS – tức là những điều bạn cần để duy trì cuộc sống hiện tại. Hiểu về câu chuyện Nhu cầu (Needs) và Mong muốn (Wants) là nền tảng để bạn cảm thấy ĐỦ, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, cần cắt giảm mọi thứ để quay về chi phí sinh hoạt tối thiểu nhất.
Câu chuyện sẽ trở nên rất đơn giản, nếu thu nhập của bạn hoàn toàn có thể đảm bảo cho ngân sách thu cầu thiết yếu, và các khoản chi đó nằm trong 50%. Nhưng sẽ có rất nhiều điều cần bàn đến trong các trường hợp sau:
- Nhu cầu thiết yếu hay chi phí sinh hoạt tối thiểu chiếm hơn 50%? Trong trường hơp này, bạn cần cân nhắc và xem xét lại tất cả các khoản chi tiêu để biết được các khoản này có thực sự là nhu cầu thiết yếu hay không.
- Nhu cầu thiết yếu không cần đến 50% tổng thu nhập? Nếu ở trường hợp này, bạn có hai sự lựa chọn, tập trung vào các khoản mục quan trọng tiếp theo như đầu tư để phát triển bản thân, hoặc gia tăng các khoản tiết kiệm phục vụ cho việc đầu tư
Tuy nhiên bạn nên hiểu rằng, trong tất cả các trường hợp, bạn cần phải hết sức trung thực, khách quan, ngồi xuống ghi ra các nhu cầu thiết yếu của bản thân và gia đình. Khi đấy bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết được rằng, chúng ta chi tiêu quá mức cần thiết và con đường tiết kiệm cho tự do tài chính không quá khó như chúng ta nghĩ.

30% dành cho mong muốn và sở thích cá nhân
Những khoản chi ở đây có thể là đi xem phim, đi ăn ở ngoài, dụng cụ thiết bị mới, túi xách và giày dép, tham gia khóa học phát triển bản thân, đi du lịch,… Dễ hiểu nhất, khoản chi này nhằm mục đích khiến cho cuộc sống của bạn trở nên nhiều trải nghiệm thú vị, giúp bạn đầu tư vào bản thân, gia tăng kết nối và hưởng thụ những điều xung quanh.
Việc giới hạn ngân sách 30% cho chi tiêu theo sở thích cá nhân sẽ giúp bạn tránh được “bội chi”, không sa lầy vào các quảng cáo hấp dẫn, kích thích mua sắm, tiêu dùng. Ngoài ra, bạn cũng trở nên có trách nhiệm phải tìm hiểu thông tin sản phẩm dịch vụ trước khi ra quyết định chi tiền.
Một ví dụ như sau: bạn muốn mua một chiếc điện thoại mới. Hãy ngồi suy nghĩ và trả lời:
- Tôi có thực sự thích chiếc điện thọai này không?
- Chiếc điện thoại có thực sự giúp tôi giải quyết các vấn đề hiện tại hay không?
- Tôi có thể mua một chiếc điện thoại có tính năng tương tự nhưng giá thành thấp hơn hay không?
- Có các chương trình giảm giá, khuyến mãi nào để tôi có thể mua điện thoại với giá tốt hơn?
- Sau ba ngày, 1 tuần hoặc thậm chí một thời gian lâu hơn, mong muốn mua điện thoại của tôi có còn nhiều như hiện tại hay không?
Một điều phũ phàng rằng, con số 30% này khó để kiểm soát lắm đấy. Đơn giản vì bạn bị bao vây bởi vô vàn quảng cáo và thông tin kích thích tiêu dùng mỗi ngày. Việc trung thực với chính mình và có kỷ luật sẽ giúp bạn đến gần hơn ý nghĩa của việc quản lý ngân sách chi tiêu tiết kiệm trong gia đình.

20% dành cho tiết kiệm
Tiết kiệm là một cụm từ rất hay, và xuyên suốt trang blog, bạn sẽ cần hiểu chủ đích của việc tiết kiệm là gì? Theo nguyên tắc 50 30 20, bạn sẽ để dành 20% cho các khoản mục sau:
- Đầu tư
- Trả nợ
- Quỹ khẩn cấp
- Sổ tiết kiệm…
Tùy vào khẩu vị rủi ro của cá nhân, bạn sẽ tìm phương pháp sử dụng 20% này hiệu quả nhất. Tiền cần được sử dụng đầu tư sinh lời chứ không nên để yên một chỗ. Bạn có thể tham khảo các phương pháp kiếm tiền ngay trong các bài viết trên blog này.
Các bước thực hiện nguyên tắc 50 30 20
Để có thể thực hiện nguyên tắc 50 30 20 một cách hiệu quả, bạn nên theo các bước gợi ý dưới đây:
Bước 1: Tư duy luôn là nền tảng bắt đầu. Hiểu việc chi tiêu tiết kiệm trong gia đình là quan trọng để bạn có thể đạt được các mục tiêu tài chính trong tương lai.
Bước 2: Xem lại bức tranh chi tiêu và tiết kiệm trong gia đình 3-6 tháng gần nhất, để biết được rằng bạn đã có những hành động đúng hay chưa đúng ở chỗ nào
Bước 3: Viết ra những kế hoạch trong tương lai gần và xa ( 3 tháng, 6 tháng thậm chí 3 năm hay 5 năm).
Bước 4: Xác định thu nhập thực tế của bản thân (tiền lương cố định đối với cá nhân đi làm văn phòng, hay thu nhập không cố định đối với các bạn làm nghề tự do hay tự kinh doanh).
Lời kết: Nguyên tắc 50 30 20 là phương pháp đơn giản để bạn từng bước hiểu về câu chuyện tài chính cá nhân. Hãy trung thực, dành thời gian cho bản thân để hiểu về những nhu cầu và mong muốn, những mục tiêu và động lực thực hiện. Chúc bạn thành công