Nợ xấu là gì? Biến cơn ác mộng thành đòn bẩy tài chính

by Thảo Lê
0 comment
Nợ xấu - quản lý nợ hiệu quả

Vay nợ không còn xa lạ trong cuộc sống hiện nay của chúng ta. Các khoản vay nếu biết cách quản lý sẽ là đòn bẩy tài chính hiệu quả để đạt mục tiêu. Ngược lại, nợ xấu sẽ khiến bạn cảm thấy bế tắc, áp lực và dần mất khả năng chi trả.

Nợ xấu là gì

Nợ xấu là các khoản nợ mà người vay không trả đúng hạn cam kết đã quy định trong hợp đồng tín dụng. Thông tin nợ của cá nhân sẽ được lưu trữ ở Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC. 

Căn cứ vào Điều 10 Thông Tư 02/2013/TT-NHNN, sửa đổi bởi Điều 1 Thông Tư 09/2014/TT-NHNN, nợ được phân loại thành 5 nhóm như sau: 

  • Nhóm 1 – nợ đủ tiêu chuẩn: là các khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn và nợ quá hạn dưới 10 ngày 
  • Nhóm 2 – nợ cần chú ý: phổ biến là các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày và nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu
  • Nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn: phổ biến là khoản nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày và nợ gia hạn nợ lần đầu.
  • Nhóm 4 – nợ nghi ngờ: phổ biến là nợ quá hạn từ 181 – 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai;
  • Nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn: phổ biến là nợ quá hạn trên 360 ngày và nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.

Như vậy, nợ xấu thuộc các nhóm nợ 3, 4, 5 và có số ngày quá hạn trả nợ từ 90 ngày trở lên.

Nợ xấu là gì? Phân biệt các cấp độ nợ
Nợ xấu là gì? Phân biệt các cấp độ nợ – Nguồn ảnh: Entreprenuer

Phân biệt nợ xấu và nợ tốt

Nợ tốt có khả năng tăng giá trị tài sản ròng của bạn lên hoặc nâng cao giá trị cuộc sống của bạn.

Nợ xấu liên quan đến việc vay tiền để mua các tài sản mất giá nhanh hoặc chỉ nhằm mục đích tiêu dùng.

Việc xác định xem một khoản nợ là tốt hay xấu đôi khi phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi cá nhân, xem xét số tiền có thể chi trả trong thời gian xác định. 

Các khoản nợ tốt ví dụ như:

  • Giáo dục, phát triển bản thân: Các khoản vay để học đại học, kỹ thuật, đi du học đều là các khoản vay nợ có giá trị vì đầu tư vào chất xám. Trình độ học vấn càng cao, bạn càng có khả năng được chấp nhận vào môi trường có chế độ phúc lợi tốt, mức lương tương xứng và có sự thăng tiến trong sự nghiệp. 
  • Vay phát triển kinh doanh: Trong vài trường hợp, việc vay nợ này được coi là đòn bẩy để tiền sản sinh ra tiền. Tuy nhiên, nợ chỉ là nợ tốt nếu bạn xem xét cơ hội kinh doanh kỹ lưỡng, có niềm đam mê, nghiêm túc phát triển và có mục tiêu kiếm lợi nhuận với tỷ lệ lớn hơn phần lãi phải trả. 
  • Vay mua nhà: Bất động sản là ngành tăng trưởng chóng mặt, đặc biệt ở các khu đô thị. Đối với mặt bằng nhà ở, đơn giản nhất thế chấp để mua một căn nhà, sống và sau đó bán nhà kiếm lời. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thuê, tạo ra nguồn thu nhập thụ động. Dòng tiền mỗi tháng nhận về lớn hơn lãi suất chi trả cho khoản vay. 

Ngược lại, nợ xấu có thể ở trong các tình huống sau:

  • Vay mua xe ô tô. Xét về góc độ tài chính thì việc vay tiền để mua một chiếc ô tô chỉ để thỏa mãn nhu cầu đi lại không phải là ý tưởng tối ưu trừ khi bạn thực sự có lý do chính đáng cho việc này. Ngay sau khi lái xe rời khỏi hãng, chiếc xe đó đã sụt giảm giá trị. Nếu thực sự cần vay để mua ô tô thì hãy tìm một khoản vay với lãi suất thấp, nhiều ưu đãi và đảm bảo khoản vay nằm trong khả năng thanh toán. 
  • Mua sắm quần áo và tiêu dùng. Người ta thường nói rằng quần áo có giá trị thấp hơn một nửa số tiền mà người tiêu dùng trả cho chúng. Tất nhiên bạn cần quần áo — và thực phẩm, và đồ đạc, và tất cả những thứ khác — nhưng vay để mua chúng bằng thẻ tín dụng lãi suất cao không phải là một cách sử dụng nợ tốt. 

Chúng ta hay rơi vào bẫy của thẻ tín dụng với hàng loạt các chương trình ưu đãi, khuyến mãi. Các chương trình thưởng thẻ tín dụng mang đến cho chủ thẻ thêm động lực để chi tiêu. Nhưng trừ khi bạn thanh toán đầy đủ số dư của mình hàng tháng, nếu không các khoản lãi suất và phí phạt có thể nhiều hơn rất nhiều. 

Phân biệt nợ xấu và nợ tốt
Phân biệt nợ xấu và nợ tốt – Nguồn ảnh: Financial Mappers

Tỷ lệ thanh toán nợ DTI

DTI viết tắt từ debt-to-income ratio (tỷ lệ nợ trên thu nhập). Tỷ lệ này quan trọng vì bạn sẽ tính toán được khả năng thanh toán nợ thực tế của bạn. Đối với các tổ chức tín dụng, tỷ lệ DTI giúp họ xác định được rủi ro khi cho khách hàng vay nợ. 

DTI được chia làm hai loại như sau:

  • Tỷ lệ trả trước (front-end DTI):  thường được tính bằng chi phí nhà ở (chẳng hạn như thanh toán thế chấp, bảo hiểm thế chấp, v.v.) chia cho tổng thu nhập.
  • Tỷ lệ trả sau (back-end DTI) tính toán tỷ lệ phần trăm tổng thu nhập cho các loại nợ khác, chẳng hạn như thẻ tín dụng hoặc các khoản vay mua ô tô. Tỷ lệ này thường không nên quá 28%.(Theo Investopedia)

Sự khác biệt chính giữa front-end ratio và back-end ratio là dựa vào cách tínhi. Với front-end DTI, các tính toán dựa trên chi phí nhà ở của bạn. Tuy nhiên, back-end DTI lại cộng thêm các nghĩa vụ tài chính khác, bao gồm:

  • Thanh toán các khoản nợ trả góp hàng tháng
  • Thanh toán hàng tháng cho các khoản nợ quay vòng, chẳng hạn như thẻ tín dụng hoặc hạn mức tín dụng
  • Thanh toán khoản vay sinh viên hàng tháng
  • Thanh toán tiền thuê hàng tháng
  • Tiền cấp dưỡng hàng tháng cho cha mẹ và con cái
  • Thanh toán hàng tháng cho tài sản cho thuê mà bạn sở hữu

Cách tính như sau:

  1. Tổng hợp các khoản thanh toán nợ hàng tháng của bạn bao gồm thẻ tín dụng, khoản vay và thế chấp.
  2. Chia tổng số tiền thanh toán nợ hàng tháng của bạn cho tổng thu nhập hàng tháng của bạn.
  3. Nhân kết quả với 100 để đạt được tỷ lệ phần trăm DTI.

Ví dụ:

Tổng các khoản nợ hàng tháng

  • Khoản thế chấp: 10.000.000
  • Khoản vay mua ô tô: 5.000.000
  • Thẻ tín dụng: 2.000.000

Tổng số tiền trả nợ hàng tháng là 17.000.000

Tổng thu nhập hàng tháng: 40.000.000

=> Tỷ lệ DTI theo ví dụ này là 0.425:

Nói cách khác, tỷ lệ nợ trên thu nhập là 42.5%.

Thông thường tổ chức cho vay sẽ xem xét cả hai loại DTI nói trên trong quá trình thẩm định hồ sơ. Ngoài chỉ số DTI ra, còn cần kiểm tra các chỉ số khác về lịch sử tín dụng, tỷ lệ nợ xấu, Tỷ lệ LTV (tổng tài sản và tỷ lệ cho vay trên giá trị – Loan to value).

  • Tỷ lệ DTI từ 35% trở xuống được coi là tốt và bạn có thể quản lý nợ hàng tháng sau khi thanh toán các chi phí sinh hoạt cho cá nhân và gia đình.  
  • Tỷ lệ DTI từ 36% đến 49% được coi là đủ, nhưng bạn vẫn nên có kế hoạch cải thiện để giảm nợ hoặc tăng thu nhập. Bên cho vay có thể đòi hỏi thêm vài yêu cầu để chấp nhận khoản vay.  
  • Tỷ lệ DTI trên 50% đồng nghĩa bạn sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý và thanh toán khoản nợ. 
Quản lý nợ xấu hiệu quả
Quản lý nợ xấu hiệu quả – Nguồn ảnh: Debtwave

Quản lý nợ

Về cơ bản, có hai cách để giảm tỷ lệ nợ trên thu nhập đồng nghĩa giảm tình trạng dẫn đến nợ xấu:

  • Giảm nợ định kỳ 
  • Tăng tổng thu nhập 

Cách tốt nhất chính là kết hợp cả hai cách trên. Để quản lý nợ, bạn cần phải có sự kỷ luật, mục tiêu và kiên trì rõ ràng. Cách quản lý ngân sách tối ưu sẽ dựa trên nguyên tắc 50-30-20, để giúp  bạn phân biệt giữa nhu cầu (needs) và mong muốn (wants)

Các cách quản lý nợ hiệu quả như sau:

  • Có tâm lý đúng trong việc quản lý và trả nợ
  • Sử dụng chiến lược snow-ball để trả các khoản nợ nhỏ và tăng động lực cho toàn bộ kế hoạch trả nợ
  • Quản lý ngân sách hiệu quả.
  • Tăng tiết kiệm theo 19 cách gợi ý
  • Tăng doanh thu bằng cách: làm thêm việc vào thời gian rảnh rỗi như freelancers, viết blog kiếm tiền, làm dự án ngắn hạn dựa trên chuyên môn cá nhân, làm thêm ngoài giờ đối với công việc chính, đàm phán tăng lương, chuyển đổi công việc có mức lương cao hơn

    Bài viết liên quan

    Leave a Comment