Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, dịch bệnh vẫn tiếp diễn phức tạp, việc quản lý tài chính cá nhân và gia đình hiệu quả rất quan trọng. Để hiểu tài chính cá nhân là gì cần nắm rõ 5 trụ cột cơ bản, bao quát cả hai khía cạnh tài chính và con người.
Quản lý tài chính cá nhân là gì?
Chúng ta thường hay gắn sự giàu có là thước đo duy nhất trong tài chính cá nhân. Tuy nhiên, mức độ giàu có của một người không đồng nghĩa với mức độ hạnh phúc của người đó. Có rất nhiều người có khối tài sản khổng lồ nhưng họ vẫn không thể độc lập, tự do và làm chủ cuộc sống như mong muốn.
Warren Buffet đã từng nói:
“Do not save what is left after spending, but spend what is left after saving” (Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi chi tiêu, mà hãy tiêu những gì còn lại sau khi tiết kiệm)
Như vậy, đạt đến sự tự do trong tài chính cá nhân không có nghĩa chỉ là trở thành một người giàu có về mặt của cải. Không quan trọng bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà quan trọng là cách bạn giữ những gì mình đã kiếm được, và phát triển những nền tảng mà bạn có.
Như vậy, quản lý tài chính cá nhân là thực hiện những việc cần làm và tối ưu các nguồn lực hiện tại để chuẩn bị cho cơ hội và dự phòng rủi ro, từ đó đạt được cuộc sống và trở thành con người mà chúng ta mong muốn.
5 khía cạnh quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân
Mô hình Pentagon do Centi.Coach Việt Nam phát triển giúp khái quát 5 khía cạnh chủ chốt trong việc quản lý tài chính cá nhân và gia đình

Quản lý chi tiêu
Mô hình Pentagon bắt đầu bằng CHI TIÊU. Đây là điều đầu tiên chúng ta cần nhận thức rõ ràng khi quản lý tài chính cá nhân.
Tiết kiệm không được đặt trong mô hình Pentagon, mặc dù khía cạnh này được đề cập đến rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Tiết kiệm phải luôn gắn kèm với một chủ đích nào đó. Do đó, trong 5 yếu tổ quan trọng ở trên, việc tiết kiệm sẽ được chi tiết hóa bằng những mục tiêu cụ thể như ví dụ như dành tiền cho đầu tư hay ngân sách tiết kiệm cho bảo hiểm.
Quay trở lại với việc chi tiêu, cái chúng ta cần ở đây RÕ CHI – tức nhận thức (awareness) các điểm sau:
- Chi cho ai
- Chi cái gì/ để làm gì
- Chi khi nào
- Chi bao nhiêu

Nhận thức việc chi tiêu giúp chúng ta đánh giá được:
- Hành động chi tiêu đó xuất phát từ sự lựa chọn bản thân và chúng ta ý thức được tại sao lại cần như thế. Chúng ta có thể không lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông quảng cáo, các nhu cầu xuất phát từ người khác, các mong muốn nhất thời của bản thân mà không mang lại ý nghĩa.
- Xác định tầm quan trọng của khoản chi giúp ta loại bỏ những thứ không cần thiết ở thời điểm hiện tại, từ đó xác định con số chi bao nhiêu được dễ dàng hơn.
- Xác định tầm quan trọng của khoản chi còn là động lực để ta tìm mọi cách có khoản thu cho điều đó, tránh tình trạng chi không chủ đích và lâm vào vòng xoáy nợ nần.
Thiết lập quỹ dự phòng bảo vệ
Bản chất của bảo vệ chính là các giải pháp dự phòng để giảm thiểu / chuyển giao rủi ro cho các biến cố không lường trước được của tương lai. Dự phòng có mục tiêu cuối cùng là để an tâm, cho nên bạn cần giải pháp linh hoạt trong từng giai đoạn của cuộc đời. Các hạng mục dự phòng có thể bao gồm:
- Quỹ khẩn cấp
- Bảo hiểm nhân thọ hoặc thẻ chăm sóc sức khỏe
- Dự phòng thất nghiệp/nghỉ việc
- Dự phòng nghỉ hưu, mất sức lao động
- Dự phòng rủi ro liên quan đến tài sản vật chất
- Dự phòng liên quan đến những người thân thiết trong gia đình.

Đầu tư phát triển bền vững
Trong bức tranh quản lý tài chính cá nhân, đầu tư không chỉ là về dòng tiền thông qua các công cụ tài chính như chứng khoán, chứng chỉ quỹ,… mà còn là đầu tư phát triển bản thân và chuyên môn, tạo tiền đề cho hai mục tiêu cao hơn là sự nghiệp và gia tăng thu nhập. Việc đầu tư với số tiền bao nhiêu không quan trọng bằng việc bạn thiết lập mục tiêu cho khoản đầu tư đó và độ chấp nhận rủi ro của bản thân.
Thăng tiến trong sự nghiệp
Chắc hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi quản lý tài chính cá nhân còn đề cập đến việc phát triển sự nghiệp như là một trong những khía cạnh quan trọng. Sự nghiệp không chỉ là một công việc mà còn là sự đam mê, là lối sống ý nghĩa, đủ đầy và mang lại giá trị cho xã hội. Việc đặt ra mục tiêu và các cột mốc thăng tiến trong sự nghiệp sẽ giúp bạn:
- Hiểu về chính sách công ty, chế độ phúc lợi để có thể đàm phán mức lương, công việc.
- Biết cách kết hợp nguồn lực từ môi trường làm việc và môi trường gia đình, xã hội để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả nhất.
- Sự thăng tiến trong nghề nghiệp là một trong những tiêu chí chứng nhận hiệu suất và năng lực bản thân, từ đó mang lại thu nhập cho gia đình và giá trị cho xã hội.
Hiểu về vay mượn
Yếu tố vay mượn trong mô hình Pentagon khá đặc biệt vì nó phản ảnh mối quan hệ. Vay mượn không chỉ là các khoản vay tín chấp, thế chấp, tín dụng,… Vay mượn còn mang nghĩa rộng hơn là mượn ai đó cái gì đó để phục vụ cho mục tiêu cá nhân.
Trong khía cạnh tài chính, vay mượn xuất hiện dưới nhiều loại hình phổ biến như vay nợ ngân hàng, thẻ tín dụng, Trong khía cạnh cá nhân, việc vay mượn không chỉ là tài sản, của cải mà còn là thừa hưởng những giá trị từ các thế hệ hay sự tiếp nhận, điều phối giữa các nguồn lực trong cộng đồng.
Giao tiếp là yếu tố trung tâm
Yếu tố cuối cùng trong việc quản lý tài chính cá nhân chính là giao tiếp. Chắc bạn sẽ rất ngạc nhiên, vì sao một yếu tố mang tính định tính như vậy lại đóng vai trò quan trọng để quản lý tài chính thành công.
Giao tiếp có thể hiểu dưới các phương diện sau:
- Sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình, niềm tin được truyền lại từ các thế hệ trước, lối sống cha mẹ và cả cách giáo dục con cái.
- Sự nhận diện và quay về bên trong để hiểu bản thân.
- Sự truyền thông để phân bổ nguồn lực trong công ty và xã hội.
