Tết thật là dịp mình refresh lại bản thân toàn bộ. Những năm trước, mình hay mua Báo Xuân về đọc để cảm nhận không khí Tết thấm đẫm trong từng câu chữ. Báo Tết luôn đủ đầy gia vị, với muôn mặt con người và những thành tựu xuyên suốt một năm trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Mùng hai, mình lại lang thang đường sách, khuân về một thùng nặng rồi ngồi hít hà mùi giấy mới, thấy mở đầu một năm như vậy là sướng lắm rồi.
Năm nay thật đặc biệt. Mọi thứ yên ắng, ai ai cũng chỉ loanh quanh trong nhà. Mình ít dùng điện thoại, không lên mạng thường xuyên, chỉ ở nhà đọc sách và ghi chép. Mình đọc cuốn NGƯỜI VIẾT KIẾM SỐNG của Hạ Chi trong những ngày ít vồn vã như thế. Đọc liên tù tì trong một ngày hết hơn hai trăm trang. Phần vì muốn theo mạch viết, phần vì Chi viết đúng với tâm trạng của mình.

Chi là một người viết, mình cũng vậy. Điểm khác biệt duy nhất là Chi có kinh nghiệm viết chuyên nghiệp và hành nghề trong suốt 10 năm. Riêng mình thì chỉ mới là một người tẽn tò đi tìm phương hướng trong ngành này. Mình viết theo bản năng, không câu nệ phương pháp. Mình đọc sách của Chi trong giai đoạn đang tìm kiếm một lối rẽ trong giai đoạn lưng chừng đồi. Nói mất phương hướng thì không đúng, nhưng đọc để rút ngắn lại sự mông lung thì chính xác hơn.
Mình chọn viết để nuôi giấc mộng. Chi thì đã và đang đi qua khoảng thanh xuân rực rỡ của nghề. Mình mong mỏi những trang viết để định hình bản thân. Còn Chi, nay đã trải qua những ngọt ngào, máu lửa, mệt mỏi, vô định, từ một người học nghề, làm nghề, sống được với nghề và trở thành một người trọn vẹn trong chính sự lựa chọn của mình. Nên khi đọc sách, mặc dù có rất nhiều đoạn trầm, khi Chi tìm cách vượt qua khủng hoảng trong cuộc sống và nghề nghiệp, chới với tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn: “TẠI SAO?”, sách vẫn khiến người đọc cảm thấy an yên khi gấp lại. Đâu đó là sự đồng cảm, là mối tương giao, là sự chia sẻ đến tận đáy lòng.
Hơn hai trăm trang sách không viện dẫn nhiều kỹ thuật viết lách. Nội dung tự nhiên như hơi thở đủ để người đọc hình dung một góc khác của nghề báo, nghề làm quảng cáo, nghề viết freelance. Đâu đó mình tin rằng, thực tế còn khắc nghiệt hơn những gì Chi viết rất nhiều, bởi ngành viết hay quảng cáo là một ngành thay đổi từng ngày. Những áp lực mà Chi đã trải qua, đôi khi là sự tự hào, là niềm háo thắng của tuổi trẻ, nhưng cũng là những niềm tiếc nuối rất riêng một khi ngoái đầu nhìn lại, mình đã đánh đổi sức khỏe, thời gian cho những giờ công sở dài đến bất tận.
Chi tìm đến thiền định như một sự tất yếu. Trải qua những thành tựu nhất định trong đời thì bước tiếp theo sẽ là gì? Mà thành tựu là gì? Là phung phí tiêu xài, là những kiêu hãnh khi đứng đầu quản lý, là thỏa mãn khi hoàn tất những dự án? Hay để có những thành tựu đó, là sự mất ngủ triền miên, là nhiều câu hỏi cho một tương lai mơ hồ bất định, để rồi phát hoảng vì một ngày mới lại bắt đầu?

Đọc những trang Chi viết, mình thấy đâu đó là hiện lên khủng hoảng của tuổi trẻ, giai đoạn 30 tuổi, không còn lại là trẻ trâu nữa, nhưng cũng không đến mức già cỗi. 30 tuổi đôi khi là thời điểm bắt đầu lại mọi thứ, đôi khi loay hoay trước những sự lựa chọn. Chi không đưa ra bất kì lời khuyên nào, nhưng toàn bộ trang sách chính là lời tâm tình nhẹ nhàng mà thấm thía nhất. Chấp nhận bản thân với những nỗi lo lắng, sợ sệt và tìm cách vượt qua. Đi đâu cũng quay về với chính mình để tìm thấy câu trả lời.
Viết lách hay bất kì ngành nghề nào, đều là lựa chọn. Phải là một Hạ Chi trải qua 10 năm làm nghề với đầy đủ cung bậc khó khăn thì mới viết ra những dòng nhẹ tênh mà nặng lòng tự sự như thế. Sách không có bất kì cái kết nào, nhưng mở ra những dự định mới cho những cuốn sách khác. Và mình tin, cả mình và Chi, và muôn vàn bạn trẻ khác, sẽ tìm thấy nhau trong sự dấn thân làm nghề. Vì đó là tuổi trẻ, là những khúc ngoặc để bản thân lớn lên và trưởng thành.