Tài chính dành cho dân freelance – 5 mẹo hay để tiền không thất thoát

by Thảo Lê
0 comment
Tài chính dành cho dân freelancer

Dân freelance, đặc biệt trong các ngành về nghệ thuật và dịch vụ, thường không quan tâm, hoặc đôi khi cảm thấy các con số tài chính là rắc rối và phiền phức. Bài viết này cung cấp 5 mẹo tài chính dành cho dân freelance. Cho dù bạn là người mới bắt đầu vào con đường làm việc tự do hay bạn là tay freelancer sừng sỏ, thì những thông tin cung cấp bên dưới sẽ giúp bạn hiểu thêm về bức tranh quản lý tài chính cá nhân.

1. Dẹp qua rào cản cá nhân

Như thường lệ, mình sẽ luôn nói về mindset – tư duy trước khi đi vào các vấn đề khác. Không phải ngay từ đầu bạn chọn freelance bởi chính vì thu hút hai chữ TỰ DO hay sao. Tự do làm chủ thời gian, tự do về không gian địa lý, tự do định giá bản thân, tự do học tập và kết nối. Nhưng ở một mặt khác, con đường tự do vẫn luôn là con đường nhiều bất định, mà chỉ những người có kiến thức nền tảng mới có thể vững vàng đi theo được lâu dài

Cho nên, dù bạn có thích các con số hay không, dù bạn ngán việc theo dõi và ghi chép tiền bạc, bạn vẫn phải thừa nhận rằng có một ngân sách chi tiêu và tiết kiệm chủ đích sẽ giúp bạn tồn tại lâu hơn với công việc freelance. Vậy thì, thay vì đẩy các con số sang bên kia chiến tuyến, hãy học cách sống chung với lũ.

Bạn hãy theo dõi nhiều bài viết trên web để biết rằng thật ra kế hoạch quản lý tài chính cá nhân rất đơn giản, hay ho, thiết thực và hầu như ai ai cũng có thể tiếp cận và thực hành được hết. Biết đâu, sau một thời gian cày bừa, bạn sẽ mạnh mẽ tuyên bố rằng: Tôi đã độc lập tự do về tài chính, thời gian còn lại chỉ dành cho việc du lịch và hưởng thụ mà thôi.

kenhtaichinhcanhan - tài chính dành cho dân freelance
Dẹp qua rào cản cá nhân

2. Luôn ghi nhớ hai từ NGÂN SÁCH

Luôn thừa nhận sự không ổn định trong dòng tiền khi bạn làm việc tự do, đặc biệt trong hai năm đầu tiên. Ngay cả khi bạn đã vận hành hệ thống chỉnh chu, bạn cũng cần hiểu, dòng tiền sẽ luôn luôn khác với việc bạn nhận lương cố định hàng tháng khi làm tại công ty.

Mình sẽ chia ra hai đối tượng cụ thể để phân tích về tài chính dành cho dân freelance: i) cá nhân mới chuyển hướng làm tự do ii) Những người đã làm tự do được một thời gian.

Nếu bạn là lính mới

Công việc freelance cho bạn cơ hội được làm chủ thời gian và thu nhập, cho bạn sự linh hoạt để lựa chọn. Nhưng, freelance đôi khi còn đồng nghĩa với sự thiếu ổn định về dòng tiền, đặc biệt đối với những bạn mới bước vào con đường làm việc tự do thì lập kế hoạch tài chính cá nhân cho giai đoạn đầu tiên là vô cùng cần thiết.

Trước khi đặt bút kí đơn xin nghỉ việc, một lời khuyên dành cho bạn chính là, bạn có ngân sách cho chi tiêu sinh hoạt tối thiểu ít nhất trong vòng 6 tháng tới hay chưa? Nếu chưa, khoan nói đến chuyện nghỉ ngay cái rụp mà lao ngay vào vòng quay làm việc tự do, bởi vì thực tế đôi khi khắc nghiệt hơn bạn tưởng tượng đấy.

Điều đầu tiên chính là, bạn cần chuẩn bị ngân sách tối thiểu 6 tháng, nếu giả sử sau khi nghỉ việc bạn chưa thể tìm được một công việc tối thiểu thì bạn cũng có tiền để đảm bảo chi tiêu. Nên ghi nhớ, khoản ngân sách này phải tách bạch đối với quỹ khẩn cấp. Đây là khoản tích góp trước đó từ tiền lương tại công ty cũ. Hết sức hạn chế các khoản vay mượn giai đoạn này. Vì bạn chưa chắc mình có thành công khi làm việc tự do hay không, nên việc đảm bảo trả nợ khoản vay đôi khi là áp lực lớn.

kenhtaichinhcanhan - tài chính dành cho dân freelance
Hoạch định ngân sách khi làm freelance

Dân freelance có kinh nghiệm

Chúc mừng bạn đã trải qua giai đoạn đau thương đầu tiên trong hành trình làm việc tự do. Thế nhưng, để có thể đạt được nhiều mục tiêu về tiền bạc, bạn cũng cần kiến thức nền tảng về tài chính dành cho dân freelance. Điều này không khó, quan trọng là chúng ta nắm bản chất vấn đề, trung thực với bản thân và thực hiện đều đặn để trở thành thói quen thiết thực.

Bạn có thể đọc thông tin về quản lý ngân sách theo nguyên tắc 50 30 20. Luôn phân chia các khoản mục thành ba phần: nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, các chi tiêu cho bản thân để tận hưởng cuộc sống và đầu tư trong dài hạn và ngắn hạn.

3. Định giá bản thân để có lộ trình phát triển

Việc có lộ trình phát triển bản thân là vô cùng quan trọng để bạn có thể định giá, đàm phán hợp đồng, biết được ở từng giai đoạn mình sẽ kiếm được bao nhiêu. Chắc chắn sẽ có những lo lắng kiểu như: Làm sao tôi có thể biết được tôi kiếm được bao nhiêu khi bản chất freelance là công việc không cố định, dẫn đến dòng tiền cũng thay đổi thường xuyên?

Đây là một sai lầm cố hữu. Đồng ý là khi làm nghề tự do, chúng ta không thể có được thu nhập cố định như khi làm việc tại công ty. Nhưng bạn nên nhớ một điều rằng, càng có kế hoạch thì sự KHÔNG CỐ ĐỊNH CÀNG DỄ ĐƯỢC KIỂM SOÁT. Vậy thì các bước cần thực hiện sẽ như thế nào:

Bước 1: theo dõi lại nguồn thu nhập trong quá khứ khi bạn đang làm việc tự do, chia nhỏ để biết được thực sự mỗi tháng trung bình bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Ở bước này, điều bạn cần là trung thực hết sức có thể nhé. Sẽ không có những trì hoãn ví dụ như: do dịch nên thu nhập tôi không đều. Không nên như vậy, luôn trở về mẹo thứ hai ở trên. Chấp nhật sự không cố định là một lẽ tất yếu, và cộng các khoản thời gian không có thu nhập vào để biết được dòng tiền chúng ta thực tế đang như thế nào.

Khi bạn hiểu về chuyện đó, bạn sẽ luôn có sự dự phòng cho những khoản rủi ro có thể xảy ra. (tham khảo mẹo số 5 bên dưới)

Bước 2: Cân đối các khoản thu – chi – tiết kiệm để xem tình hình thực tế như thế nào. Bạn có thể đọc bài viết về nguyên tắc 50 30 20

Bước 3: Hiểu về lộ trình phát triển nghề freelance của bạn. Theo lộ trình này trong thời gian 6 tháng – 1 năm thậm chí 3 đến 5 năm, thì bạn sẽ nhận được mức thu nhập như thế nào. Việc có mục tiêu hướng đến là vô cùng quan trọng vì bạn biết giá trị bản thân đến đâu, cần tập trung vào công việc gì, đàm phán ra sao để nhận được công việc chất lượng. Với kinh nghiệm là một blogger chuyên về lĩnh vực tài chính cá nhân, mình có một bài viết chi tiết về CÁC CẤP ĐỘ KHI LÀM FREELANCE để bạn có thể tham khảo. Bạn có thể tự nghiên cứu để biết được hướng đi trong chính ngách công việc của bạn.

kenhtaichinhcanhan - tài chính dành cho dân freelance
Tài chính dành cho dân freeance – những điều cần biết

4. Tối đa hóa các nguồn thu nhập

Tìm kiếm nguồn thu nhập mới là yếu tố cốt lõi trong tài chính dành cho dân freelance. Hơn ai hết, bạn có nhiều điều kiện để thực hiện việc này bởi đơn giản, bạn là người yêu thích sự chủ động, tự do, nhanh nhạy và có khả năng kết nối. Đó là những đặc tính của người làm freelance. Hãy tận dụng thế mạnh của bạn để tìm kiếm liên tục các nguồn gia tăng thu nhập: từ việc đầu tư bền vững, đến mở rộng năng lực bản thân.

Ví dụ dễ hiểu: nếu bạn là một cây viết tự do, đừng chỉ thỏa mãn bản thân ở các dự án viết thuê. Hãy nghĩ xa hơn, làm podcast chẳng hạn. Hoặc bạn có thể dựa vào chính năng lực của bạn, thuê các cộng tác viên làm các dự án trọn gói cho doanh nghiệp. Bạn cũng có thể mở các khóa học, liên tục tìm kiếm các affilliate có chất lượng, trở thành writing coach hoặc xuất bản sách (như chị Linh Phan – một coach mà mình đã từng có cơ hội học và cộng tác. Hay em Nhung Phùng thu nhập lên đến 300 triệu thụ động mỗi tháng khóa học khởi nghiệp với blog và kinh doanh online). Luôn có rất nhiều cơ hội liên quan đến viết lách mà bạn có thể tìm hiểu để gia tăng thu nhập ngay tại website của mình

kenhtaichinhcanhan - tài chính dành cho dân freelance
Luôn có quỹ dự phòng

5. Luôn có quỹ dự phòng

Một điều cần ghi nhớ, làm freelance là tự bạn quyết định mọi thứ liên quan đến cuộc sống của bạn. Điều đó đồng nghĩa các chương trình phúc lợi cho bản thân sẽ không còn đầy đủ như khi bạn làm cho công ty. Bạn nên có kiến thức nền tảng về quỹ dự phòng cho bản thân, cụ thể như sau:

  • tự mua thẻ bảo hiểm y tế nhà nước
  • có thẻ chăm sóc sức khỏe toàn diện
  • có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
  • tìm hiểu các thẻ sức khỏe riêng biệt.

Với kinh nghiệm hoạt động trong ngành Bảo hiểm, mình có thể tư vấn để bạn có cái nhìn tổng quan về các hạng mục trên. Để lại comment bên dưới nhé.

Lời kết: trên đây là những mẹo tài chính dành cho dân freelance. Mình hy vọng bạn sẽ hiểu thêm về bức tranh quản lý ngân sách, tiết kiệm chi tiêu để có thể vừa đạt các mục tiêu tài chính, vừa có lộ trình phát triển bản thân chuyên nghiệp trong nghề.

Bài viết liên quan

Leave a Comment